(CAO) Uy lực của chiến đấu cơ trên chiến trường hiện đại vốn đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sở hữu được các chiến đấu cơ tiên tiến nhất, bởi giá cả của chúng quá đắt đỏ.
B-2 Spirit (2,4 tỷ USD)
B-2 Spirit vốn là máy bay ném bom tàng hình đa nhiệm đã quá nổi tiếng về khả năng cũng như chi phí sản xuất. Bắt đầu được sử dụng năm 1993, từng tham chiến tại chiến trường Afghanistan và Iraq. Theo Time, chiếc máy bay này xứng danh máy bay quân sự đắt giá nhất thế giới với giá cao, để sản xuất một chiếc có thể lên tới 2,4 tỷ USD.
B-2 Spirit có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ, thực thi các nhiệm vụ ném bom và trở về mà không để lại một dấu vết gì trên màn hình radar.
Hai oanh tạc cơ nổi tiếng B-52 và B-2 Spirit "sánh đôi" trên bầu trời
Ban đầu, chính phủ Mỹ lên kế hoạch sẽ sản xuất 132 máy bay tàng hình B-2 Spirit. Sau đó, con số này được giảm xuống còn 75. Đến năm 1992, dưới áp lực về tài chính và quốc hội, tổng thống Bush (Bush cha) tuyên bố sẽ chỉ có 20 chiếc B-2 được xuất xưởng (sau này tăng lên thành 21 chiếc nhờ vào việc tân trang lại một chiếc thử nghiệm).
B-2 Spirit tăng tốc, "phá vỡ" bức tường âm thanh
Một điểm khá thú vị về phi đội B-2 Spirit là mỗi chiếc đều có một tên gọi chính thức, được đặt theo tên các bang và thành phố của Mỹ, ví dụ như "Spirit of Texas" hay "Spirit of Hawaii".
F-22 Raptor (350 triệu USD)
F-22 Raptor là sản phẩm của Lockhead Martin, vốn được xem là chiến đấu cơ hoàn hảo nhất từ xưa tới nay. Nó thậm chí còn được đánh giá cao hơn tiêm kích tàng hình T-50 hiện đại nhất của Nga (máy bay thế hệ thứ 5), bởi khả năng tàng hình, tốc độ siêu thanh và tránh radar của đối phương.
F-22 bắt đầu được sản xuất hạn chế từ tháng 8-2001 với số lượng 49 chiếc tại nhà máy của Lockheed Martin và theo các hợp đồng mà không quân Mỹ đã ký thì cho đến năm 2011, họ sẽ mua 183 chiếc F-22.
F-22 Raptor được xem là chiến đấu cơ hoàn hảo nhất thời điểm hiện tại
Mặc dù nhu cầu về loại máy bay này của Không quân Mỹ là 381 chiếc nhưng do thiếu kinh phí nên dự án về F-22 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate chính thức đình chỉ vô thời hạn. Vì thế, tại thời điểm tháng 7-2008, số F-22 mà không quân Hoa Kỳ đã được giao là 122 chiếc.
C17A Globemaster III (328 triệu USD)
Dòng máy bay Boeing C17 Globemaster III là phương tiện vận tải cỡ lớn, được McDonnell Douglas phát triển cho Không quân Mỹ (UAF) từ thập niên 80 tới đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước.
C17A Globemaster III được trang bị 4 động cơ phản lực (cùng loại sử dụng cho Boeing 757 hai động cơ, có thể thả 102 lính dù cùng một lúc. Bắt đầu hoạt động từ năm 1993, từng đưa binh sĩ và hàng cứu trợ nhân đạo tới Afghanistan và Iraq. Tính tới thời điểm hiện tại, Boeing đã xuất khẩu hơn 259 máy bay C17 cho 8 quốc gia trên khắp thế giới.
C17A Globemaster III được hai chiến đấu cơ hộ tống
Nó có khả năng vận chuyển các loại hàng hóa quá khổ quá tải cũng như binh lính đến các sân bay có đường băng ngắn bất kể ngày hay đêm. C-17 có trọng lượng cất cánh tối đa 265,3 tấn, có thể mang theo 74,7 tấn hàng hóa.
P-8A Poseidon (290 triệu USD)
Boeing P-8A Poseidon là loại máy bay quân sự hiện đang được Boeing Defense, Space & Security phát triển, dựa trên khung thân cơ sở máy bay chở khách Boeing 737-800ERX. Máy bay săn ngầm P-8A Poseidon được thiết kế để thực hiện một loạt vai trò gồm: tác chiến chống tàu ngầm; chống tàu mặt nước; phong tỏa hàng hải; tình báo điện tử;...
Với hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy CFM56-7B cho phép P-8A hoạt động trong bán kính chiến đấu hơn 2.200km, hoạt động liên tục 4 tiếng trên không trong tác chiến chống ngầm, tốc độ hành trình 815km/h, trần bay gần 13.000m.
P-8A Poseidon thả thiết bị dò tìm sonar dưới lòng biển
P-8A còn được trang bị hệ thống phao sonar cực hiện đại. Và theo tiết lộ của Hải quân Mỹ, mỗi chiếc P-8A có thể mang đến 64 phao chìm gắn thiết bị dò tìm sonar dưới lòng biển.
VH-71 Kestrel (241 triệu USD)
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Obama đã thông báo kế hoạch hủy dự án sản xuất máy bay này, nhưng sau hàng loạt tranh cãi, dự án lại tiếp tục được thực hiện.
VH-71 Kestrel là dự án do cựu Tổng thống George W.Bush khởi xướng. Mẫu máy bay đầu tiên cất cánh ngày 3-7-2007. Các mẫu thử nghiệm cho thấy VH-71 có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 300 km/h với trần bay 4.500 m. Giá trị máy bay khoảng 241 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, Tổng thống Obama gần như quyết định tạm ngừng dự án sản xuất VH-71 trong tháng 5-2009.
VH-71 Kestrel là dự án do cựu Tổng thống George W.Bush khởi xướng
Đây là loại máy bay trực thăng lớn và hiện đại, được dùng riêng cho Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du thay cho máy bay thế hệ cũ. Dự án đã được Ủy ban Phân bổ Ngân sách Quốc hội (HAC) nhất trí thông qua gói ngân sách lên tới 485 triệu USD để phát triển.