(CAO) Trong một động thái ngoại giao hiếm hoi, hôm 13-1, cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đối phó với đe dọa từ những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Bài viết nhan đề “Trung Quốc, Nga sợ Mỹ đang đóng khung họ” của cây bút Joshua Berlinger đăng trên website đài CNN (Mỹ) hôm 14-1 đã phản ánh bất an của Bắc Kinh và Moscow khi dàn tên lửa THAAD hiện diện gần sát biên giới của họ. Cả hai đang thực hiện các bước đi nhằm chống lại tham vọng của Mỹ trong việc trở thành bá chủ toàn cầu.
Việc Nga – Trung đồng thanh phản đối Mỹ thiết đặt hệ thống THAAD cho thấy nỗi bực dọc này. Tân Hoa Xã loan tin Trung Quốc sẽ có những bước đi để đối phó, nhưng biện pháp cụ thể là gì vẫn chưa được tiết lộ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng quyết định của Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đe dọa nghiêm trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc. Ở tầm khu vực, việc này cũng sẽ phá vỡ cán cân cân bằng chiến lược. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi các nước trong khu vực kiên quyết phản đối quyết định này. Trung Quốc và các nước khác phải thể hiện mối quan tâm chính đáng của mình và chúng tôi sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh của mình”.
Phản đối của ông Khảng được đưa ra khi Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ vừa được Trump bổ nhiệm Michael Flynn. Cả hai cùng khẳng định sẽ tiếp tục kế hoạch triển khai THAAD trong nhiệm kỳ tới của chính quyền Mỹ.
Hệ thống THAAD đang khiến Nga và Trung Quốc bất an khi triển khai tại Hàn Quốc, sát biên giới với họ
Bước đi này cho thấy Trump cũng không thay đổi quan điểm về việc đưa THAAD đến Hàn Quốc so với người tiền nhiệm Obama dù cả hai đang mâu thuẫn về hàng loạt chính sách khác như chương trình chăm sóc y tế Obamacare.
Washington nhiều lần khẳng định việc thiết đặt THAAD nhằm đối phó với khả năng tấn công hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Nga – Trung cho rằng THAAD là công cụ để Mỹ “trấn” khả năng tấn công bằng tên lửa của hai nước này khi vị trí thiết đặt tại Hàn Quốc cách không bao xa đường biên của hai nước.
CNN dẫn lời chuyên gia Yvonne Chiu thuộc Đại học Hồng Kông nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp cho họ (Nga và Trung Quốc) cùng đưa ra tuyên bố phản đối vì Mỹ đang trong quá trình chuyển đổi chính quyền. Mọi người không thực sự chắc chắn về lập trường trong chính quyền mới của Trump”.
Trung Quốc nhìn vào việc thiết lập THAAD ở một bức tranh lớn hơn đó là tham vọng thiết lập hệ thống phòng thủ từ đông sang tây của Mỹ. Còn hãng tin TASS hồi tháng 10-2016 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov từng nhấn mạnh: “Chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa rằng Mỹ, với sự hỗ trợ của các đồng minh của họ, sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của họ ở khu vực Châu Á –Thái Bình Dương.
Cơ chế phòng thủ của tên lửa THAAD - Ảnh: CNN
Việc Mỹ thiết lập hệ thống tên lửa Aegis ở Romania (khu vực Đông Âu) vào năm ngoái, nay thêm THAAD ở Hàn Quốc biến lãnh thổ Nga đang nằm trong tầm bắn tên lửa Mỹ ở cả hai phía biên giới Đông – Tây của nước này.
Cùng với Nga, Trung Quốc cũng xem THAAD là mối đe dọa tiềm tàng. Vì thế cả hai lên tiếng cùng phản đối không phải là điều ngạc nhiên cho lắm.