Tham vọng quân sự và vị thế an ninh mới của Tokyo

Thứ Sáu, 29/05/2015 15:44  | Phương Kha

|

(CATP) Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật đang dần nới lỏng các hạn chế của hiến pháp hòa bình thời hậu chiến.

Dấu hiệu rõ nét nhất đầu tiên là thông báo hồi tháng tư năm nay về hướng dẫn quốc phòng Mỹ - Nhật mới, nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước không có giới hạn địa lý, và cho phép liên minh này phản ứng “liền mạch và hiệu quả” với các mối đe dọa an ninh.

Được đà, Thủ tướng Abe dốc sức nhằm đạt được pháp chế cải tổ quốc phòng cho Nhật Bản. Hôm 14-5-2015, Nội các Nhật Bản đã tán thành hai dự luật quốc phòng. Theo đó, cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) của họ hoạt động theo một định nghĩa phòng vệ rộng hơn, đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc tháo bỏ những kiềm chế an ninh thời hậu chiến của Nhật không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Để thúc đẩy những cải tổ quốc phòng, chính phủ Nhật phải giải quyết nhiều mối lo ngại cả ở trong nước lẫn quốc tế. Hai dự luật an ninh, được nội các của ông Abe thông qua hôm 14-5-2015, có ý định mở rộng phạm vi hoạt động của SDF ra nước ngoài và mở rộng các khu vực hoạt động của nó.

Hai dự luật mang tên Kokusai heiwa shien hoan (hỗ trợ hòa bình quốc tế) và Heiwa anzen hosei seibi hoan (phát triển hiến pháp an ninh và hòa bình). Dự thảo cũ được sửa 10 luật liên quan đến an ninh, nhằm bỏ các ràng buộc địa lý của pháp luật hiện hành về dự phòng trong “các khu vực liền kề với Nhật Bản”, được ban hành năm 1999.

Một trong những luật đáng chú ý là cho phép Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể, hay tới trợ giúp một quốc gia bạn đang bị tấn công. Những tình huống khác SDF có thể được phép sử dụng vũ lực, bao gồm cả các sứ mệnh cứu hộ cứu công dân Nhật bị bắt, bị vướng vào những tình huống khẩn cấp ở nước ngoài, các sứ mệnh bảo vệ tàu chiến và các khí tài khác của những quốc gia đang làm việc để bảo vệ Nhật Bản, các hoạt động gìn giữ hòa bình, và những sứ mệnh trợ giúp nhân đạo.

Dự luật sau sẽ thiết lập một bộ luật vĩnh viễn cho phép chính phủ gởi SDF ra nước ngoài để cung cấp hỗ trợ hậu cần cho một quân đội nước ngoài đang chiến đấu, thay thế các luật tạm thời hiện nay phải được ban hành mỗi lần SDF được phái đi làm các nhiệm vụ trợ giúp trong các hoạt động đa quốc gia...

Trước khi thi hành, hai dự luật an ninh này yêu cầu phải được thông qua bởi nghị viện, nơi dự báo có một cuộc bàn cãi nảy lửa giữa liên minh cầm quyền LDP và đảng Komeito cùng đảng đối lập chính, DPJ. Tuy nhiên, nếu được phê chuẩn, các dự luật an ninh sẽ có bốn ý nghĩa quan trọng đối với tư thế quốc phòng Nhật Bản.

Đầu tiên, nó sẽ giúp xứ sở Phù Tang thay đổi về thực chất từ vị thế phòng thủ thời hậu chiến mà Nhật tự áp đặt, theo đó SDF chỉ được phép tấn công quốc gia thù địch khi nước Nhật bị tấn công. Thứ hai, nó sẽ hỗ trợ những tham vọng của Thủ tướng Abe đưa Nhật trở thành một nhà có những đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới. Thứ ba, các dự luật an ninh sẽ hiệu lực hóa diễn giải lại Hiến pháp của nội các Abe mùa hè năm ngoái, cho phép Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể. Cuối cùng, phù hợp với các nguyên tắc quốc phòng Mỹ - Nhật mới, các dự luật an ninh sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa SDF và các lực lượng Mỹ.

Như Thủ tướng Abe đã giải thích trong bài phát biểu của mình hôm 29-4, bằng cách “nâng cao cơ sở pháp lý”, Nhật sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc cung cấp một “phản ứng liên tục đối với mọi cấp độ khủng hoảng”.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang