Thấy gì qua biến động nhân sự lãnh đạo sau đại hội đảng ở Triều Tiên?

Thứ Hai, 11/01/2021 19:20  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 11-1, Reuters đưa tin trong danh sách mới của bộ chính trị Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền không có tên của bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un.

Điều này đặt ra câu hỏi về vị thế chính trị của bà Kim sau vài năm gia tăng ảnh hưởng trên chính trường.

Đảng Lao động Triều Tiên đã tổ chức cuộc bỏ phiếu vào hôm 10-1 để bầu ra các thành viên Ủy ban Trung ương đảng tại đại hội, trong đó vạch ra các mục tiêu chính sách ngoại giao, quân sự và kinh tế trong 5 năm tới.

Bà Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, vẫn là thành viên của Ủy ban Trung ương nhưng không có tên trong bộ chính trị.

Năm 2017, bà Kim trở thành người phụ nữ thứ hai ở Triều Tiên tham gia bộ chính trị sau người cô Kim Kyong Hui. Vào tháng 8, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết bà Kim là “chỉ huy thứ hai trên thực tế” của anh trai mình.

Nhưng các tín hiệu đã lẫn lộn đối với các nhà quan sát. Sự vắng mặt của bà trong danh sách bộ chính trị diễn ra vài ngày sau khi bà lần đầu tiên bước lên bục lãnh đạo cùng với 38 nhân vật cấp cao điều hành đảng khi đại hội bắt đầu.

“Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về tình trạng của bà ấy, vì bà ấy vẫn là thành viên Ủy ban Trung ương và có khả năng đã đảm nhận các chức vụ quan trọng khác”, Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam, cho biết ở Seoul.

Ông Kim Jong Un tại đại hội đảng Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ thì cho biết Kim Yo Jong có mức độ ảnh hưởng cao nhất đối với chính sách bất kể bà có trong bộ chính trị hay không.

“Chúng tôi đã quen với việc nhìn thấy bà ấy ở một vai trò quần chúng hơn, nhưng nguồn gốc chính trị của Kim Yo Jong và kinh nghiệm nghề nghiệp của bà ấy ở đằng sau hậu trường chứ không phải ngồi trên bục để nghe các bài phát biểu”, ông nói.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã củng cố quyền lực của mình tại Đại hội với việc ông được bầu làm tổng bí thư.

Kim đã nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối trong hệ thống chính trị của Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền sau khi cha mình, ông Kim Jong Il qua đời vào năm 2011.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết đại hội “hoàn toàn chấp thuận” đề xuất thăng chức ông Kim lên vị trí “bộ não hàng đầu của cuộc cách mạng” và là “trung tâm của sự lãnh đạo và sự thống nhất”.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, cho biết: “Sự tiếp quản của Kim cho thấy sự tự tin của ông ấy, rằng ông ấy hiện đã chính thức đứng vào hàng ngũ của cha và ông mình”.

“Nó cũng cho thấy ý định chiến lược của ông ấy là tập trung hệ thống đảng xung quanh mình và củng cố quyền lực”.

Quang cảnh đại hội đảng Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Một nhân vật dường như đang thăng tiến nhanh chóng nữa là Jo Yong Won, mới được bầu vào đoàn chủ tịch gồm 5 người của bộ chính trị và Ủy ban quân sự trung ương của đảng.

Choe Son Hui, thứ trưởng ngoại giao, người có công trong việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào năm 2019, đã bị giáng chức.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết nỗ lực giúp tạo ra bước đột phá trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chuẩn bị nhậm chức.

Ông Kim từng tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động ngoại giao, phát triển vũ khí bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “đa đầu đạn”, gọi Mỹ là “kẻ thù lớn nhất của chúng ta”.

Tae Yong-ho, một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên nhận định “ông ấy muốn gửi một thông điệp rất mạnh mẽ tới chính quyền sắp tới của Biden”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang