Ai Cập phát hiện thành phố cổ đại “lớn nhất từ trước đến nay”

Chủ Nhật, 11/04/2021 11:43  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 11-4, AFP đưa tin các nhà khảo cổ học đã giới thiệu những phát hiện của họ đến công chúng về nơi được cho là thành phố cổ đại "lớn nhất" từng được tìm thấy ở Ai Cập, có niên đại từ thời hoàng kim của các vị vua Pharaoh cách đây 3.000 năm.

Tại địa điểm gần Luxor, quê hương của Thung lũng các vị vua huyền thoại, các công nhân đã cẩn thận mang ra những chiếc bình cổ và hài cốt người cùng động vật được đào lên trong khi giới truyền thông tham quan quanh những bức tường gạch cong và những con phố thô sơ vừa được phát hiện trong quá trình khảo cổ.

"Đây là một thành phố lớn đã bị thất lạc. Nó được kết nối với thần Aton và Amenhotep III" - nhà Ai Cập học nổi tiếng Zahi Hawass hào hứng nói với các phóng viên hôm 10-4.

Ông cho biết: “Chúng tôi tìm thấy ba khu chính: một khu dành cho hành chính, một khu cho công nhân ngủ và một khu khác dành cho các hoạt động tiểu thủ công nghiệp”.

Các hiện vật của thành phố được phát lộ - Ảnh: AFP

Không gian bao gồm các xưởng làm khô thịt, may quần áo và dép, chế tác bùa hộ mệnh và các bức tượng nhỏ.

Mostafa Waziri, người đứng đầu Hội đồng Cổ vật Tối cao của đất nước cho biết địa điểm này không chỉ giới hạn trong các tòa nhà.

"Chúng ta có thể thấy ... hoạt động kinh tế, các xưởng và lò nướng được tìm thấy" - ông nói.

Đầu tuần này, Hawass đã thông báo về việc phát hiện ra một "thành phố vàng bị mất" và nhóm khảo cổ cho biết đây là thành phố cổ đại "lớn nhất" từng được phát hiện ở Ai Cập.

Hawass nói với AFP: “Chúng tôi chỉ tìm thấy một phần của thành phố. Thành phố này mở rộng về phía tây và phía bắc". 

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu khai quật những ngôi đền của Ramses III và Amenhotep III gần Luxor, thành phố nằm cách khoảng 500 km về phía nam của thủ đô Cairo.

Các nhà sử học cổ đại cho biết Amenhotep III đã kế thừa một đế chế trải dài từ sông Euphrates ở Iraq và Syria hiện nay đến Sudan và qua đời vào khoảng năm 1354 trước Công nguyên.

Một hài cốt người được phát hiện - Ảnh: AFP

Ông cai trị gần bốn thập kỷ, một triều đại nổi tiếng với sự xa hoa và sự hùng vĩ của các di tích, bao gồm cả Colossi of Memnon - hai bức tượng đá lớn gần Luxor đại diện cho ông và vợ ông.

Betsy Bryan, giáo sư nghệ thuật và khảo cổ Ai Cập tại Đại học Johns Hopkins, đã nói trong một tuyên bố vào tuần này rằng phát hiện này là "khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ khi lăng mộ vua Tutankhamun được khai quật gần một thế kỷ trước". 

"Các lớp khảo cổ đã nằm nguyên vẹn hàng nghìn năm, được các cư dân cổ đại để lại như thể mới ngày hôm qua" - tuyên bố của nhóm nghiên cứu cho biết.

Các nhà khảo cổ đã khai quật được những món đồ trang sức, bình gốm màu, bùa hộ mệnh và gạch bùn mang con dấu của Amenhotep III.

Một con cá nạm vàng bên ngoài cũng được tìm thấy - Ảnh: AFP

Jose Galan, người đứng đầu một phái đoàn khảo cổ Tây Ban Nha riêng biệt gần Thung lũng các vị vua, nói với AFP rằng địa điểm này là "một khám phá tuyệt vời".

"Chúng tôi đã quen với những khám phá liên quan đến đền thờ và lăng mộ nên chúng tôi biết về đời sống tôn giáo và thói quen hành hương. Nhưng chúng tôi không biết nhiều về các khu vực định cư" - ông nói.

Các trang sức và dụng cụ bằng đá được phát lộ - Ảnh: AFP
Những thành quách được phát hiện - Ảnh: AFP

Bình luận (0)

Lên đầu trang