(CAO) Hôm 23-3, Reuters đưa tin chính quyền Anh đã điều lực lượng quân đội đi phân phát các thiết bị bảo vệ chống dịch coronavirus chủng mới (nCoV) cho các bệnh viện, đồng thời khuyến cáo người dân ở trong nhà.
London cũng khuyến cáo người dân cần tự thực hiện các biện pháp “cách ly xã hội” như tránh tụ tập đông người hay tránh đứng gần nhau khi giao tiếp. Nếu dân cố tình không tuân thủ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ thêm, nước này có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh tay như phong toả để tránh đà lan của dịch bệnh.
Trong khi đó quân đội đi phân phát các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) như khẩu trang cho các nhân viên y tế, khi có các báo cáo từ bệnh viện than phiền rằng họ đang khan hiếm các thiết bị này.
Đến nay đã có 281 người thiệt mạng vì nCoV ở Anh. Tốc độ nhiễm và tử vong gia tăng ở Anh trong những ngày gần đây khiến người dân phải phát đi cảnh báo.
Người dân đeo khẩu trang đi trên đường ở London (Anh), đi ngang bảng khuyến cáo nên ở trong nhà phòng dịch - Ảnh: Reuters
Hệ thống y tế ở Anh cũng đang đối mặt với áp lực quá tải vì số ca bệnh gia tăng. 6000 nhân viên y tế ở nước này đang ở tuyến đầu chống dịch, cho biết cuộc sống của họ đang bị đe doạ vì thiếu khẩu trang đeo thường ngày.
Ngoài ra Anh cũng đang tìm cách tăng cường thêm số máy trợ thở đề phòng số ca bệnh trở nặng gia tăng.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều người ở nước này vẫn thờ ơ trước lời khuyên nên ở nhà, tránh tụ tập đông người. Các bãi biển và công viên vẫn đông nghẹt. Họ bỏ qua lời khuyên nên giao tiếp giữ khoảng cách với nhau tối thiểu 2m.
Reuters dẫn lời Emyr Williams – Giám đốc điều hành của vườn quốc gia Snowdonia cho biết địa điểm này đông nghẹt du khách dẫn đến quá tải những ngày qua.
Trước tình trạng trên, chính quyền cảnh báo người dân có thể sẽ đối mặt với các lệnh phong toả, là một phần của các lệnh giới nghiêm và hạn chế du lịch nếu còn thờ ơ không tuân thủ.
(CAO) Sự vồn vã chào hỏi nhau bằng những cái ôm, cái hôn thường ngày của văn hoá Phương Tây, hay cảnh đám đông ngồi sát nhau trong các sự kiện cộng đồng đã không còn xuất hiện nhiều trong mùa dịch Covid-19.