(CAO) Hôm 14-6, AAP đưa tin các nhà lãnh đạo khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hy vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hội nghị NATO lần này trở thành kỳ họp đầu tiên các nhà lãnh đạo trong khối đồng ý tập trung vào giải quyết biến đổi khí hậu cũng như đối mặt với sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc.
Được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả là "thời khắc then chốt", hội nghị thượng đỉnh nhằm xoá nhoà 4 năm căng thẳng của khối với người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump, người đã làm lung lay niềm tin vào liên minh này khi cho rằng NATO là một thể chế hợp tác "lỗi thời".
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã tiếp đón Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác ở Cornwall cho biết: “NATO mang ơn hàng tỷ người mà chúng tôi luôn giữ an toàn mỗi ngày để liên tục thích ứng và phát triển nhằm đáp ứng những thách thức mới và đối mặt với các mối đe dọa mới xuất hiện”.
Các nhà ngoại giao cho biết nỗ lực của Nga nhằm chia rẽ phương Tây có thể sẽ được nhắc đến tại các cuộc thảo luận ngày 14-6, các nhà ngoại giao cho biết, trước cuộc gặp giữa Biden và Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 16-6 tại Geneva.
Sau G7, Biden tiếp tục tham dự cuộc họp với NATO
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của mình nhưng vẫn dễ bị tấn công mạng và phát tán thông tin sai lệch, mặc dù Moscow phủ nhận mọi nỗ lực nhằm gây bất ổn cho các đồng minh NATO.
"Các mối đe dọa tấn công mạng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong một cuộc khủng hoảng và gây ra hiểu lầm và phát đi các tín hiệu không mong muốn ... có thể dẫn đến chiến tranh", nhóm nghiên cứu Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu nhận định.
Nhưng quan trọng nhất trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo NATO là họ cần phải được nghe Biden nói về khả năng phòng thủ tập thể của NATO sau thời Trump. Các đặc phái viên cho biết, những lời lẽ đối đầu của Trump đối với các đồng minh từ năm 2017 đến năm 2019 tại các hội nghị thượng đỉnh NATO đã tạo ra một ấn tượng về một cuộc khủng hoảng.
Sự hiện diện kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đại Tây Dương, bao gồm cả các cuộc tập trận chung với Nga cũng sẽ khiến các nhà lãnh đạo NATO phản ứng mạnh mẽ.