(CAO) Trung Quốc có thể không phải là thành viên của G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất Thế giới), nhưng nó đang trở thành đề tài bao trùm chương trình nghị sự của nhóm này.
Trung Quốc, và những thách thức về ý thức hệ do sự trỗi dậy của nước này trong những năm gần đây được coi là một trong những chủ đề cấp bách nhất mà các nhà lãnh đạo G7 phải đối mặt khi họ tập trung tại Anh vào ngày 11-6 để bắt đầu họp thượng đỉnh.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden dự kiến sẽ cố gắng thuyết phục các đồng minh cùng Washington đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về các hành động của họ ở Tân Cương, Hồng Kông và Biển Đông cùng các khu vực khác.
Nói về chuyến đi của mình vào tuần trước, Biden đã viết trên tờ Washington Post rằng "Mỹ phải dẫn đầu thế giới từ một vị thế mạnh mẽ", bao gồm cả việc đối đầu với "các hoạt động có hại của Trung Quốc và Nga".
Ở một số khu vực, đã có những dấu hiệu về một mặt trận thống nhất đã được hình thành để đối trọng với Nga – Trung.
Trong một tuyên bố chung hôm 10-6, Biden và thủ tướng Anh - Boris Johnson tuyên bố sẽ hỗ trợ một cuộc điều tra sâu rộng hơn về nguồn gốc của dịch Covid-19, bao gồm ở cả Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 - Ảnh: AP
Sự hỗ trợ từ Vương quốc Anh và có thể là các thành viên G7 khác sẽ tăng thêm sức nặng cho việc Biden thúc đẩy việc điều tra lại nguồn gốc của virus, bao gồm cả việc xem xét kỹ lưỡng giả thuyết virus gây Covid-19 có thể đã rò rỉ ra môi trường từ phòng thí nghiệm. Bắc Kinh đã chỉ trích lời kêu gọi này của Biden vào tháng trước, cáo buộc Washington "thao túng chính trị để chuyển hướng đổ lỗi" về đại dịch.
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này cũng được cho là sẽ chứng kiến sự ra mắt của một giải pháp thay thế xanh ban đầu do Biden thúc đẩy để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với mục đích hỗ trợ phát triển bền vững ở các nước đang phát triển.
Một số quốc gia khách mời cũng đã được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh, trong đó có Úc, nước sẽ sử dụng cơ hội này để tìm kiếm sự ủng hộ trong các tranh chấp thương mại đang leo thang với Trung Quốc.
Trong tuần này, Thủ tướng Úc - Scott Morrison đã kêu gọi các quốc gia G7 ủng hộ cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết việc sử dụng hành vi "cưỡng bức kinh tế" ngày càng tăng. Liên minh mới nổi này có thể sẽ gây thêm bất lợi cho Bắc Kinh.
Hôm 10-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai chỉ trích kế hoạch tập hợp các đồng minh để đối trọng với Trung Quốc của Biden, cáo buộc đây là "sự kích động đối đầu" trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên ở Trung Quốc ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng G7 là tàn tích của quá khứ, và ảnh hưởng của nó - cùng với các quốc gia tham gia - đang suy giảm. Ý kiến này, đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc cổ vũ kịch liệt, đã được củng cố bởi sự phục hồi kinh tế rõ ràng sau đại dịch của Trung Quốc.
Việc G7 phản ứng với Trung Quốc, chứ không phải là Trung Quốc phản ứng với G7, đã được các nhà quan sát ở Bắc Kinh vịn vào đó để đưa ra đánh giá.
G7 hướng đến một mặt trận thống nhất đối trọng Trung Quốc - Ảnh: Getty
"Ảnh hưởng và quyền lực của G7 không còn đáng để mong đợi nữa. Lý do cơ bản là trọng tâm kinh tế và chính trị của Thế giới đã dịch chuyển về phía đông", một bài phân tích đăng hôm 10-6 trên tờ Thời báo Hoàn Cầu khẳng định.
Và trong khi các quốc gia G7 có thể đang hướng tới một mặt trận thống nhất chống Bắc Kinh trong một số lĩnh vực nhất định, thì vẫn còn phải xem liệu các nước có sẵn sàng mạo hiểm làm tổn hại quan hệ song phương với Trung Quốc hay không.
Các nhà quan sát Trung Quốc được Hoàn Cầu Thời báo trích dẫn bày tỏ tin tưởng rằng "sự khác biệt cơ bản" của các nước G7 về cách đối phó với Trung Quốc sẽ "cản trở họ thực hiện bất kỳ động thái quan trọng nào.
Thật vậy, khi Thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch, nhiều nước Phương Tây vẫn phụ thuộc vào thị trường và các khoản đầu tư của Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh không ngại tận dụng sự phụ thuộc đó.
Một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc, Trung Quốc đã thông qua luật chống lại các lệnh trừng phạt nước ngoài, một động thái mang tính biểu tượng đối với các quốc gia Phương Tây, nhắc họ rằng các biện pháp đối phó của họ - có thể là về các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, thương mại hoặc công nghệ chống lại Trung Quốc sẽ bị nước này trả đũa mạnh mẽ.