(CAO) Chuyến công du của tổng thống Mỹ Obama đến thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 trong 2 ngày 3 và 4-9 là chuyến công du cuối cùng của ông trên cương vị tổng thống với chính sách “xoay trục sang châu Á” làm chủ đạo.
Hôm qua 3-9, Mỹ và Trung Quốc – hai nước chiếm hơn 40% khí thải carbon đã ký hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Chứng kiến buổi ký kết là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Obama cùng trao tay nhau văn kiện phê chuẩn.
Lễ ký kết nằm trong các lĩnh vực mà Obama đã đề cập đến trước chuyến đi về khả năng hợp tác Mỹ - Trung và những nền kinh tế mới nổi gồm: biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, quốc phòng, ngoại giao…
Sau chuyến thăm Obama sẽ sang Lào dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu ngày 3-9 - Ảnh: Reuters
Chính sách “xoay trục sang châu Á” trong nhiệm kỳ của ông đã đem lại nhiều hiệu quả, thể hiện bằng việc Mỹ tăng cường quân sự ở khu vực tây Thái Bình Dương và những chuyến thăm cấp cao của Washington đến hàng loạt quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, những thách thức của Mỹ ở Châu Á vẫn còn hiển hiện: từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Nhật – Trung, vấn đề Đài Loan và tranh chấp trên Biển Đông.
Với nhiệm kỳ chỉ còn vài tháng, Obama không thể giải quyết hết những vấn đề này. Muốn “xoay trục”, Mỹ phải tích cực thúc đẩy hợp tác qua những thiết chế kinh tế, quân sự như WTO hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Nhưng điều này không còn nằm trong tay ông mà phải để người kế nhiệm ông quyết định.