Bom nổ tại Brussels khiến nhiều người hốt hoảng

Thứ Hai, 29/08/2016 14:14  | Anh Duy

|

(CAO) Sáng nay 29-8, BBC đưa tin một quả bom phát nổ bên ngoài Viện Nghiên cứu tội phạm Brussels (Bỉ) khiến nhiều người hốt hoảng. Tuy nhiên truyền thông Bỉ cho biết vụ nổ không gây ra thương vong.

Vụ nổ xảy ra vài lúc 2h30 sáng 29-8 (giờ địa phương) khi hung thủ điều khiển một chiếc xe tải tông qua 3 hàng rào chắn trước viện nghiên cứu này.

Kênh tin RTL đưa tin có “một hoặc nhiều hơn” các nghi phạm được cho đã kích nổ một quả bom gần viện nghiên cứu này.

Mức độ cảnh báo khủng bố của Bỉ hiện nay vẫn đang ở mức “báo động cao” kể từ sau vụ tấn công sân bay và hệ thống tàu điện của Brussels vào tháng 3. Vụ việc mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Viện Nghiên cứu tội phạm Brussels (Bỉ) - nơi xảy ra vụ đánh bom sáng nay - Ảnh: Google street view 

Hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công hôm nay. Truyền thông địa phương cho biết vụ nổ đã “gây ra thiệt hại đáng kể”.

Trước đó, AFP dẫn lời Pierre Meys – Phát ngôn viên sở cứu hỏa thành phố cho biết “vụ nổ rất lớn, có vẻ như không phải là một tai nạn”. 30 nhân viên cứu hỏa đã đến hiện trường dập lửa.

Hình ảnh hiện trường lan truyền trên mạng cho thấy lửa, khói bốc lên ngùn ngụt từ hiện trường ở Neder-Over-Heembeek, ngoại ô phía bắc của Brussels.

Nếu vụ nổ bom này được xác nhận là hành động khủng bố thì đây là vụ tấn công mới nhất nhắm vào các nước châu Âu trong hè này.

MÙA HÈ ĐẪM MÁU Ở CHÂU ÂU

Hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở những quốc gia châu Âu trong hè này đã khiến người dân hoang mang, lo lắng. Họ lo cho an toàn bản thân rồi từ đó nghi ngờ năng lực và cam kết “chống khủng bố” của chính quyền.

Nỗi sợ khủng bố dẫn đến nhiều hệ lụy, mà một trong số đó là việc gây nên làn sóng chống người di cư vì cho rằng họ là nhân tố mang theo chủ nghĩa khủng bố cực đoan đến lục địa già. Bất an xã hội cũng đang biến Châu Âu thành nơi “nảy mầm” của các đảng cực hữu.Từ Pháp đến Hà Lan, các đảng này đang dần lấn át những đảng cầm quyền bằng chính sách phân biệt chủng tộc, bài ngoại để hút phiếu cử tri.

Tờ Time dẫn lời Patrick Calvar – người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Pháp thất vọng thốt lên “Chúng ta đang đứng trên bờ vực của nội chiến”. Chỉ trong vòng vài tuần, Pháp đã hứng chịu hàng loạt vụ tấn công: từ vụ một người đàn ông lái xe tải cán qua dòng người di chuyển trên đường ở Nice khiến 84 người chết đến vụ hai tên khủng bố xông vào một nhà thờ ở vùng Normandy dùng dao cắt cổ một linh mục trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Tại Đức, tình hình cũng không khá khẩm hơn khi một thanh niên di cư được tin đến từ Pakistan đã xông lên tàu điện ở vùng Northern Bavaria dùng búa chém vào đám đông khiến nhiều người bị thương. Tất cả những kẻ tấn công theo dạng “sói đơn độc” này đều nhân danh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để hành động. An ninh Pháp đang “đuối” sức trong khi Paris chưa tìm ra giải pháp nào khả quan.

Quốc gia hứng làn sóng bạo lực nặng nề nhất là Pháp nhưng chính quyền nước này dường như đã bất lực trong việc kiểm soát tình hình. Tờ Time đưa tin 2/3 người dân Pháp được thăm dò đã mất sự tự tin về năng lực chống khủng bố của chính quyền tổng thống Francois Hollande. Mới đây, tổng thống Hollande hứa sẽ triển khai thêm 10.000 cảnh quân di động để bảo vệ an ninh toàn quốc nhưng giới cảnh sát và quân đội cho biết họ đã dốc toàn lực lượng bảo vệ các địa điểm trọng yếu trong khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vẫn còn hiệu lực ít nhất trong 6 tháng nữa. Paris đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào hiệu quả hơn.

Lính Pháp tuần tra ở Paris trên đường phố sau một vụ tấn công. Ảnh: Reuters

Tại Đức dù không hứng phải nhiều vụ tấn công như Pháp do có lực lượng an ninh và tình báo được đánh giá “cao tay” hơn láng giềng, nhưng thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đứng trước áp lực chỉ trích của dư luận và từ trong chính nội bộ đảng cầm quyền của bà về chính sách mở cửa đón người di cư.

Từ sau vụ những phụ nữ dạo phố đêm giao thừa ở Cologne bị một băng tội phạm gồm những người di cư quấy rối tình dục, áp lực phản đối chính sách của bà càng lớn. Phe “diều hâu” của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đứng đầu là thủ hiến bang Bayern Horst Seehofer đã không bỏ lỡ cơ hội này để chỉ trích. Tờ Time dẫn lời Seehofer nhấn mạnh: “Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã tràn đến nước Đức”. Để tăng cường an ninh, CSU đề nghị mở rộng thêm quyền lực cho cảnh sát và quân đội, động thái mà tờ Time bình luận là đưa Đức trở lại “bóng ma” thời Đức Quốc xã. Trong khi đó đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (Alternative for Germany) cũng không bỏ qua cơ hội này khi đòi trục xuất trên diện rộng những người di cư bị từ chối cấp quy chế tị nạn. Động thái này được cho là nhằm thu hút phiếu cử tri trong kỳ bầu cử tới. Làn sóng cực hữu này cũng đang lan đến nhiều nước khác tại châu Âu. Time đưa tin tại Hà Lan, đảng Tự do (PVV) của Geert Wilders đang thắng thế.

Châu Âu hè này đang ở trong “mớ bòng bong” rối rắm: tấn công khủng bố, khủng hoảng di cư, chủ nghĩa dân tộc bài ngoại gia tăng dẫn đến sự lên ngôi của các đảng cực hữu. Đây là tình huống đặt ra như một “bài kiểm tra” năng lực ứng phó khủng hoảng của nhiều chính phủ. Tuy nhiên nhiều nước, như Pháp – chính phủ đang bất lực. New York Times đưa tin chính quyền Hollande đến nay đã 3 lần gia hạn tình trạng khẩn cấp sau các vụ tấn công. Tình trạng này cho phép chính quyền được khám nhà, cảnh sát mở các cuộc bố ráp vào những khu dân cư, cấm tụ tập đông người nơi công cộng, đóng cửa các tổ chức phi chính phủ thậm chí là những nhà thờ Hồi giáo.

New York Times đưa tin từ tháng 10-2015 đến nay, cảnh sát đã tiến hành 3600 vụ bố ráp vào những khu nhà khi tình trạng khẩn cấp được ban hành. Nhưng trớ trêu thay phần lớn những vụ bố ráp đó do các đơn vị chống ma túy tiến hành, sử dụng “quyền hạn mới” của mình để tra hỏi các nghi phạm không có liên hệ gì đến khủng bố. Những vụ kiểm tra nhà dân đột xuất của cảnh sát lăm lăm vũ khí gây kinh sợ trong cộng đồng và tạo nhiều điều tiếng. Cây bút Ramzi Kassem kể lại câu chuyện của một người dân bị cảnh sát kiểm tra nhà trên tờ New York Times ngày 8-8: “

Một người đàn ông Hồi giáo kể với tôi về vụ cảnh sát bố ráp nhà ông ở gần Paris. Họ được vũ trang xông vào ngôi nhà này vào ban đêm, khi chủ nhà chưa kịp mở cửa. họ đã còng anh ta đẩy xuống sàn. Sau khi lục soát khắp nhà không thấy gì khả nghi, họ bất ngờ lôi anh ta đứng dậy chỉ vào ảnh một ông già đầy râu treo trên tường. "Người đàn ông có râu này là ai? –một cảnh sát đeo mặt nạ hỏi. Người chủ nhà trả lời: Có gì không các ông? – Đó là ảnh của nhà văn Victor Hugo mà?. Bức ảnh do con gái chủ nhà yêu thích các nhà văn nổi tiếng của Pháp treo lên". New York Times nhận định: Việc ban bố tình trạng khẩn cấp dường như chỉ là chiêu ứng phó của chính quyền trước đòi hỏi thắt chặt an ninh của người dân.

Năm sau (2017), Đức sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội, còn Pháp sẽ bầu cử tổng thống. “Phép thử” xử lý tình hình từ các vụ tấn công khủng bố, khủng hoảng di cư năm nay sẽ quyết định lá phiếu cử tri đổ về đâu ở các kỳ bầu cử tại châu Âu thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang