Cộng đồng quốc tế phản đối vụ bố ráp phe đối lập của Hun Sen

Thứ Năm, 15/09/2016 15:18  | Anh Duy

|

(CAO) Trước mùa bầu cử cấp địa phương và Quốc hội diễn ra vào năm sau và năm 2018, chính trường Campuchia đang ở thế giằng co căng thẳng khi thủ tướng Hun Sen huy động cả quân đội “trấn áp” phe đối lập chỉ vì một phiên tòa.

Tờ Phnom Penh Post hôm nay 15-9 đưa tin đã có 39 nước tham gia vào một bảng tuyên bố chung gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc chính quyền Campuchia điều quân đội vây ráp trụ sở của đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) những ngày qua để ngăn đảng này tổ chức biểu tình ôn hòa chống lại lệnh bắt Phó chủ tịch đảng – ông Kem Sokha.

Hun Sen lần này dường như đã “quá tay” khi điều cả quân đội, lực lượng vốn chỉ làm công việc chiến đấu chống giặc ngoại xâm để “xử lý” vấn đề nội bộ trong nước, động thái bị Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước khác lên án là "dằn mặt” phe đối lập, mang rõ ý đồ chính trị.

Trước đó vào ngày 9-9, Tòa án Phnom Penh đã xử vắng mặt ông Kem Sokha – phó chủ tịch CNRP 5 tháng tù giam vì không đến trình diện theo trát của tòa để dự phiên thẩm vấn điều tra về cáo buộc ông này mua dâm.

Những người ửng hộ CNRP đứng giữa lòng đường  bảo vệ trụ sở đảng này - Ảnh: AFP

Để chống lệnh, ông Kem Sokha cố thủ trong trụ sở CNRP và phát động cho đảng viên đảng này biểu tình ôn hòa nhằm chống lại lệnh bắt ông.

Hun Sen ngay lập tức xem các đợt biểu tình này sẽ làm ảnh hưởng đến “ổn định và an ninh của đất nước”, đã cử đội cảnh vệ Thủ tướng – một đơn vị quân đội tổ chức cho xe quân đội chở binh sĩ chạy qua chạy lại trước trụ sở CNRP để “thị uy” mỗi tối từ ngày 12-9.

Đại sứ Mỹ tại Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Keith Harper trong tuyên bố chung cùng với Úc và 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva ngày 14-9 nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về xung đột chính trị gia tăng trong những ngày qua tại Campuchia, đe dọa hành động hợp pháp của các đảng đối lập và xâm phạm nhân quyền. Đặc biệt là sự quan ngại với những hành động của chính quyền chống lại những người chỉ trích họ”.

Hun Sen vẫn quyết tâm trấn áp

Trước phản ứng của quốc tế, thủ tướng Campuchia Hun Sen bác bỏ những cáo buộc cho rằng chính quyền đàn áp phe đối lập. Đại sứ Campuchia tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc Ney Samol cho biết nước này không hoan nghênh việc can thiệp vào “công việc nội bộ” của nước này từ các quốc gia khác.

Hun Sen cho rằng hành động của ông chỉ nhằm ngăn ngừa hành động gây mất “an ninh” của đất nước nếu biểu tình rộng rãi nổ ra.

Phó chủ tịch CNRP Kem Sokha - Ảnh: Cambodia Daily 

Trong khi đó, CNRP dường như đã “xuống nước” khi cho biết họ sẽ không tổ chức biểu tình trên diện rộng, nhưng đồng thời cảnh báo nếu ông Kem Sokha bị bắt, biểu tình sẽ lập tức nổ ra.

Ông Kem Sokha cho rằng phiên tòa nhằm khiến ông chấm dứt sự nghiệp chính trị, không thể ra tranh cử trong mùa bầu cử tới nhằm tạo ưu thế cho đảng của Hun Sen. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang