Vụ khủng bố 11-9: 15 năm nỗi đau dai dẳng

Chủ Nhật, 11/09/2016 00:08  | Anh Duy

|

(CAO) Ngày 11-9, tròn 15 năm vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 diễn ra khi các máy bay bị không tặc chiếm lao vào Toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Lầu Năm Góc. 

Dù đã hơn thập kỷ trôi qua, vụ khủng bố kinh hoàng vẫn hiển hiện trong tâm trí người dân Mỹ và nhiều người khắp nơi trên Thế giới. Vụ khủng bố đã thay đổi chính sách chống khủng bố của nhiều quốc gia trong thập niên đầu Thế kỷ XXI.

Đó là một ngày thời tiết bờ đông nước Mỹ "xanh trong", thế nhưng người dân xứ cờ hoa không ngờ đó sẽ là một ngày thảm khốc. 19 tên không tặc của tổ chức khủng bố al - Qaeda do Osama bin Laden thành lập và điều hành đã cướp 4 máy bay của các chuyến bay nội địa Mỹ rồi khống chế chúng lao vào các địa điểm tấn công đã định. 

Đúng 8h46 ngày 11-9-2001 (giờ địa phương), chuyến bay số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines bị không tặc khống chế đã lao vào toà tháp bắc của WTC. Công trình là biểu tượng của sự thịnh vượng và phát triển của kinh tế Mỹ toạ lạc tại thành phố New York bị tấn công bằng máy bay là điều không ai ngờ đến. 

Những tiếng kêu, thét thất thanh. Máu của những người chết, bị thương hoà vào nhau tạo nên một cảnh tượng kinh hoàng. Mọi người nhanh chóng chạy xuống những tầng thấp hơn của toà tháp để tìm đường sống.  

Một người tìm cách thoát thân đã nhảy khỏi WTC - Ảnh: TIME 

Thế nhưng thảm kịch chưa dừng lại. 9h 3 phút, máy bay số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines bị không tặc khống chế lao tiếp vào toà tháp Nam của WTC. Sức nóng của cú tông, mùi nhiên liệu và bụi khói khiến nhiều người không chịu nổi đã chọn cách nhảy từ các tầng phía trên cùng (từ tầng 75 trở lên, nơi máy bay lao vào) xuống đất tự tử để tránh cái chết đau đớn hơn nếu trú bên trong toà nhà. 

Chiếc máy bay số hiệu 175 lao vào toà tháp nam của WTC  - Ảnh: TIME 

Giới chức Mỹ phong toả không phận New York, không cho các chuyến bay bay qua không phận thành phố này. Đồng thời các chuyến bay trên toàn nước Mỹ cũng bị buộc hạ cánh khẩn cấp khi tất cả các phi trường đóng cửa.  

Đến 9h37, thảm kịch tiếp diễn khi chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines đâm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc) ở bang Virginia. 125 người thệt mạng sau cú tông này. 

Chỉ ít phút sau, vào lúc 9h59, toà tháp Nam của WTC đổ sập. 

Tổng thống Bush (phải) nghe thông báo về vụ tấn công khi đang đi tham dự một sự kiện vào ngày 11-9-2001

Trong khi đó, một chuyến bay khác số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống một cánh đồng ở hạt Somerset, bang Pennsylvania khiến toàn bộ người (gồm cả không tặc) trên máy bay thiệt mạng. Chuyến bay này thất bại trong việc lao vào một mục tiêu định trước là do hành khách đã cố gắng giằng co, khống chế bọn không tặc. 

Đến 10h28, tòa tháp bắc của WTC đổ sập. 

102 phút kinh hoàng đến tê liệt của nước Mỹ đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Nước Mỹ bị tấn công, vụ tấn công mà nhiều người không nghĩ nó được phôi thai và tiến hành từ khu vực Trung Đông, cách xa gần chục nghìn km. 

Nước Mỹ từ ngày đó đã thay đổi mãi mãi. Chính quyền Bush đã tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh từ Afghanistan đến Iraq để truy quét khủng bố trên toàn cầu. Chiến dịch chống khủng bố do Mỹ phát động và dẫn đầu đã lôi kéo nhiều quốc gia tham dự. 10 năm sau, ngày 2-5-2011, Osama bin Laden - kẻ chủ mưu vụ tấn công 11-9 đã bị tiêu diệt, tổ chức al -Qaeda bị triệt hạ và phân tán. 

Hai toà tháp WTC chìm trong lửa khói - Ảnh: Reuters 

Từ ngày đó, quy trình an ninh sân bay được thắt chặt hơn để những tên khủng bố không thể cướp máy bay được nữa. 

Hàng ngàn người Mỹ cũng mắc các di chứng từ sang chấn tâm lý khi chứng kiến các nạn nhân thiệt mạng trước mắt, nỗi đau mất đi người thân đến mắc bệnh hô hấp, ung thư do nhiễm các độc chất phát sinh từ vụ WTC đổ sập. 

15 năm trôi qua, nỗi đau từ vụ khủng bố 11-9 vẫn còn dai dẳng. 

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang