Dân Hồng Kông bầu cơ quan lập pháp: Lá phiếu quyết định đường hướng với Bắc Kinh

Thứ Hai, 05/09/2016 00:34  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm nay 4-9, người dân Hồng Kông (Trung Quốc) đi bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Lập pháp – cơ quan được xem là “Quốc hội” của đặc khu này. Lá phiếu của họ sẽ quyết định đường hướng chính trị của đặc khu này với Bắc Kinh. Nhiều đường hướng đặt ra từ “thân Bắc Kinh” hay thậm chí là đi theo khuynh hướng "độc lập".

Gần 2 năm sau loạt biểu tình rầm rộ của các thủ lĩnh sinh viên, trong đó có Hoàng Chi Phong vào năm 2014 gây áp lực lên chính quyền đặc khu về yêu sách của người dân muốn được bầu chọn Hội đồng lập pháp một cách “dân chủ, công bằng”, nền chính trị Hồng Kông trong mối tương quan với Bắc Kinh vẫn lâm vào bế tắc. “Cách mạng dù vàng” dù không thành công nhưng đã phát đi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng người dân Hồng Kông đã bắt đầu “khó chịu” trong việc Bắc Kinh đưa tay can thiệp sâu rộng vào chính trị ở đặc khu từ khi nơi đây được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.

Cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp vì thế được chính quyền Bắc Kinh theo dõi “sát sao” nhất là sao “Cách mạng dù”.

Hôm nay, CNN đưa tin khoảng 3,8 triệu cử tri Hồng Kông sẽ bỏ phiếu chọn 35/70 thành viên trong cơ quan này. Các nhóm đại diện cho các doanh nghiệp và những thành phần xã hội khác sẽ bầu ra 30 thành viên khác trong Hội đồng. Một nhóm cử tri khác không thuộc các thành phần trên sẽ bầu tiếp 5 ghế còn lại.

Trong cuộc bầu cử này, những người ủng hộ nền dân chủ tại Hong Kong muốn đảm bảo họ có thể giành đủ số ghế để ngăn chặn các dự luật quan trọng vốn cần sự thông qua của 2/3 thành viên trong Hội đồng lập pháp.

Cuộc bỏ phiếu kết thúc vào tối nay và việc kiểm phiếu được tiến hành ngay sau đó, trong cả đêm nay.

Những thủ lĩnh sinh viên và những thành phần ủng hộ dân chủ khác dự kiến sẽ giành một số ghế trong hội đồng nhưng số này xem ra quá nhỏ để tạo nên tác động.

Thủ lĩnh sinh viên Edward Leung, một trong những thanh niên muốn Hồng Kông tự trị toàn diện, cả về chính trị không bị thao túng từ Bắc Kinh  - Ảnh: CNN 

Trong khi đó nhóm doanh nghiệp thường bầu các ứng viên có tư tưởng thân với Bắc Kinh để thúc đẩy thương mại với Đại lục trong bối cảnh Bắc Kinh chỉ trích những người ủng hộ dân chủ muốn “ly khai” để tách Hồng Kông khỏi Đại lục.

Tương lai nào cho Hồng Kông?

Sau “cách mạng dù”, năm nay Ủy ban bầu cử Hồng Kông thòng thêm điều kiện các ứng viên buộc phải ký cam kết trung thành với lý tưởng “một nước Trung Quốc”, tức phải trung thành với chính quyền Bắc Kinh, phải thừa nhận Hồng Kông là một phần “máu thịt” không thể tách rời.

Việc buộc các ứng viên ký bản cam kết này là hành động nhằm ngăn chặn các ứng viên ủng hộ phong trào dân chủ, những thủ lĩnh sinh viên “lăn tăn” tư tưởng khi bước ra ứng cử, trong đó có nhiều thành phẩn còn kêu gọi Hồng Kông độc lập.

Nhiều ứng viên đã từ chối ký bản cam kết này, một số khác đã ký nhưng vì tham gia “cách mạng dù” nên vẫn bị Ủy ban bầu cử “soi” để gạt ra khỏi danh sách. Điều này gây nên làn sóng phẫn nố của các ứng viên tố cuộc bầu cử hôm 4-9 thật ra chỉ là “trò hề” định trước khi bị Bắc Kinh thao túng từ xa.

Phong trào Dù vàng đòi dân chủ cho Hồng Kông do các thủ lĩnh sinh viên tổ chức  - Ảnh: Reuters

Người dân Hồng Kông tố chính quyền đặc khu đã bị Bắc Kinh thao túng, xâm phạm các quyền tự trị, dân chủ của đặc khu. Theo họ, không cần bầu Hội đồng lập pháp kiểu này nữa vì kết quả đã được Bắc Kinh “biết” trước.

Mùa bầu cử năm nay diễn ra vô cùng căng thẳng khi ứng viên tranh cử có “ba bảy đường”, từ đòi “độc lập”, đòi “dân chủ” nhưng không đòi “độc lập” đến những người ủng hộ tình trạng tự trị như hiện tại của đặc khu.

Dự kiến tối nay Hồng Kông sẽ bắt đầu kiểm phiếu khi các thùng phiếu được lấp đầy. Kết quả bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đang trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế vì qua đó nó sẽ quyết định đường hướng chính trị của đặc khu này trong mối tương quan với Bắc Kinh trong giai đoạn tới .

Bình luận (0)

Lên đầu trang