Mỹ:

Cuộc chiến chính sách giữa Dân chủ - Cộng hoà lên cao trào mới

Thứ Tư, 02/01/2019 14:44  | Anh Duy

|

​(CAO) Ngày 3-1 trở thành “dấu mốc” trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump khi đảng Dân chủ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện, theo kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội giữa tháng 11-2018.

Điều này tác động rất lớn đến các quyết sách của ông Trump, thậm chí có khả năng đẩy xung đột lên cao trào do chia rẽ về quan điểm giữa lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hoà.

Tờ New York Times nhận định người dân Mỹ vào tuần này sẽ bắt đầu “nếm mùi” bầu không khí chia rẽ khi đảng Dân chủ tận dụng lợi thế chiếm đa số ở Hạ viện để “vật lộn” trong “cuộc chiến” kiểm soát chương trình nghị sự chính trị từ Trump, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng cương quyết siết chặt chính sách an ninh biên giới, trục xuất người nhập cư trái phép và xây “bức tường lớn tuyệt đẹp” chia dọc biên giới Mỹ - Mexico.

Dự án bức tường biên giới của Trump vẫn còn dang dở - Ảnh: NPR

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ đã lên kế hoạch xúc tiến các nghị trình để mở rộng quyền bầu cử, giảm chi phí đơn thuốc kê theo toa và thông qua một dự luật cơ sở hạ tầng có sự đồng thuận của lưỡng đảng.

Trong khi đó, ông Trump vẫn một mực bảo vệ các quan điểm của mình khiến chính phủ Mỹ đến nay vẫn đang phải đóng cửa một phần (đến ngày 3-1 đã đóng của được 12 ngày) với mắc míu chính là việc Trump đòi Quốc hội thông qua ngân sách xây bức tường biên giới tốn kém với Mexico.

Ông Trump từng phát ngôn rằng “tôi tự hào để chính phủ đóng cửa vì chính sách biên giới của mình”.

Tuy nhiên bất đồng dai dẳng khiến Trump phải nhân nhượng mời các nhà lãnh đạo ở Quốc hội, của cả 2 đảng đến bàn thảo lần nữa về chính sách biên giới vào trưa 3-1 (giờ Mỹ). Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ bước vào Nhà Trắng kể từ ngày 11-12. Truyền thông Mỹ đồn đoán bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ sẽ được bầu làm Chủ tịch Hạ viện.

Sức ép lên Trump khiến ông phải “dịu giọng” bằng dòng tweet trên trang cá nhân Twitter: “An ninh biên giới và bức tường, rồi đến vấn đề đóng cửa chính phủ đều là những thứ có lẽ bà Nancy Pelosi sẽ không muốn để chúng khởi đầu cho nhiệm kỳ của mình ở Hạ viện. Cùng tìm kiếm một thoả thuận không?”.

Bà Nancy Pelosi (trái) và ông Trump đối đầu gay gắt vì bất đồng chính sách - Ảnh: AP

Động thái “chìa cành ô liu” của ông Trump dường như không có mấy tác dụng khi bà Pelosi đã đánh tiếng rằng bà muốn tìm kiếm một sự thoả hiệp cho phép chính phủ mở cửa trở lại, nhưng nói rõ rằng bức tường biên giới sẽ không bao giờ xuất hiện trong bất kỳ thoả thuận nào, cho dù điều đó có gây ra sự xáo trộn trên chính trường đi chăng nữa.

Đáp lại lời mời của Trump đến Nhà Trắng thảo luận, bà Pelosi viết trên Twitter, mỉa mai ông chủ Nhà Trắng: “Tổng thống đã trao cho đảng Dân chủ cơ hội tuyệt vời để chỉ ra cách chúng ta sẽ điều hành một cách có trách nhiệm và nhanh chóng đạt được kế hoạch chấm dứt sự vô trách nhiệm từ hành động đóng cửa chính phủ của Trump”. Quả bóng trách nhiệm nay được đẩy sang chân đảng Cộng hoà.

Để giải quyết nhanh vấn đề đóng cửa chính phủ, phía đảng Dân chủ cho biết đã thống nhất về kế hoạch thông qua 6 dự luật chi tiêu cho năm tài khoá 2019, theo đó hầu hết các hoạt động của chính phủ Mỹ sẽ được tài trợ đến tháng 9-2019. Về vấn đề an ninh biên giới, đảng này cũng ban hành biện pháp ngắn hạn để kéo dài việc cung cấp ngân sách hiện tại cho Bộ An ninh Nội địa, đơn vị giám sát biên giới cho đến ngày 8-2-2019.

Dự kiến trong ngày 3-1, khi tiếp quản Hạ viện, họ sẽ lập tức thông qua những biện pháp tức thời này. Tuy nhiên sẽ không có ngân sách cho bức tường biên giới mà ông Trump mong muốn, trong gói ngân sách của năm 2019 khi nó đòi hỏi đến hàng tỷ USD.

Đảng Dân chủ đặt mục tiêu mở cửa chính phủ trở lại - Ảnh: Reuters

Trong khi lưỡng đảng đang tranh cãi, sức ép lên cả hai đảng đến từ thực trạng khoảng 420.000 nhân viên phục vụ trong các dịch vụ công quan trọng đang phải làm việc mà không được trả lương. Thêm vào đó 380.000 nhân viên liên bang đang phải nghỉ phép không lương từ khi chính phủ đóng cửa.

Đảng dân chủ nhấn mạnh họ sẵn sàng chi ngân sách cho an ninh biên giới chứ không chi tiền cho bức tường biên giới. Mâu thuẫn đó cùng với tính khí thất thường của Trump, không chốt thoả thuận khi chưa đạt được mục tiêu kiểu doanh nhân đang khiến các bên mất kiên nhẫn, trong đó có cả các nghị sĩ lưỡng đảng ở hai viện của Quốc hội.

Lần đầu tiên từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017 khi 2 viện không còn nằm trọn trong tay đảng Cộng hoà, Trump – con ngựa tưởng chừng bất kham nay phải đeo vào cổ sợi dây cương kiềm toả. Ông sẽ giải quyết thế nào? Đây là một khía cạnh thú vị khi quan sát và nghiên cứu về chính trường Mỹ. Dù không muốn nhưng sau cùng, có thể vẫn chỉ là một sự thoả hiệp mà trong đó bức tường biên giới Trump từng mong muốn, sẽ phải “bốc hơi”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang