Đại sứ Myanmar tại LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế tẩy chay đảo chính

Thứ Bảy, 27/02/2021 12:28  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 27-2, Reuters đưa tin lực lượng cảnh sát Myanmar tiếp tục mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình phản đối đảo chính sau khi đại sứ nước này tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay phản đối việc quân đội tiến hành đảo chính.

Từ New York, đại sứ Myanmar - Kyaw Moe Tun kêu gọi Liên Hiệp Quốc sử dụng "bất kỳ phương tiện cần thiết nào" để ngăn chặn cuộc đảo chính.

Quốc gia Đông Nam Á này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội cướp chính quyền và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu là Aung San Suu Kyi và phần lớn lãnh đạo đảng của bà, với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng của bà đã giành được thắng lợi vang dội.

Trang web Myanmar Now hôm 26-2 đã dẫn lời các quan chức của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết tuần này bà Suu Kyi đã được chuyển từ nơi quản thúc đến một địa điểm không được tiết lộ.

Cuộc đảo chính đã khiến hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường ở Myanmar và bị các nước phương Tây lên án, với việc áp đặt một số biện pháp trừng phạt hạn chế.

Đại sứ Myanmar tại LHQ - Kyaw Moe Tun - Ảnh: Reuters

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun cho biết ông đang phát biểu thay mặt chính phủ của bà Suu Kyi và kêu gọi cơ quan này “sử dụng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để hành động chống lại quân đội Myanmar và mang lại sự an toàn và an ninh cho người dân”.

Chúng tôi cần hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội và khôi phục nền dân chủ” - ông nói với nhóm 193 nước thành viên, nhận được tràng pháo tay khi kết thúc bài phát biểu.

Kyaw Moe Tun tỏ ra xúc động khi thay mặt một nhóm các chính trị gia được bầu lên đọc tuyên bố mà ông cho rằng đại diện cho chính phủ hợp pháp.

Nói những lời cuối cùng của mình bằng tiếng Miến Điện, nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã giơ ba ngón tay chào của những người biểu tình ủng hộ dân chủ và tuyên bố "chính nghĩa của chúng tôi sẽ thắng lợi".

Biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar - Ảnh: Reuters

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener đã thúc giục Liên hợp quốc đưa ra một “tín hiệu rõ ràng ủng hộ dân chủ” tập thể, nói với Đại hội đồng rằng không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân đội.

Đặc phái viên của Trung Quốc không chỉ trích cuộc đảo chính và nói rằng tình hình là "công việc nội bộ" của Myanmar, đồng thời ủng hộ công việc ngoại giao của các nước Đông Nam Á.

Bình luận (0)

Lên đầu trang