(CAO) Sinh ra và lớn lên ở siêu đô thị sầm uất Jakarta, thủ đô đông dân cư của Indonesia, hằng ngày đối mặt với vấn nạn khói bụi ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, nhà môi trường học Khalisah Khalid từ lâu đã đau khổ vì phải hít thứ không khí độc hại của thành phố mỗi ngày.
Cô con gái nhỏ của cô đã bị ảnh hưởng bởi sức khỏe kém ngay từ khi sinh ra, những vấn đề mà cô tin rằng đang trở nên trầm trọng hơn do tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng của thành phố.
Cô cho biết: “Sức khỏe của con gái tôi (10 tuổi) đang ngày càng bị đe dọa do chất lượng không khí ngày càng bẩn ở Jakarta. Chúng tôi muốn chính phủ ban hành các quy định để đảm bảo công dân có một môi trường sống và chất lượng không khí tốt”.
Người mẹ 42 tuổi là một trong 32 nguyên đơn trong vụ kiện của công dân đối với Tổng thống Indonesia, các bộ trưởng y tế, môi trường và nội vụ, và một số nhà lãnh đạo khu vực, yêu cầu họ sửa chữa luật và hành động để đảm bảo bầu không khí trong lành cho công dân.
Tòa án quận Trung tâm Jakarta dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện năm 2019 vào hôm 20-5 nhưng Khalisah cho biết việc này đã bị hoãn lại vì các thẩm phán cần thêm thời gian để xem xét phán quyết của họ.
Thủ đô Jakarta của Indonesia là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Thế giới - Ảnh: Reuters
Jakarta là một trong số các thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên Thế giới vào năm ngoái, theo dữ liệu đo đạc của công ty có ứng dụng đo chất lượng không khí IQAir của Thụy Sĩ.
Nhóm pháp lý của các nguyên đơn đã cáo buộc các nhà chức trách Indonesia đã lơ là về vấn đề môi trường khi không có biện pháp giúp công dân mình tránh khỏi những tác động đến sức khỏe của ô nhiễm không khí.
Họ lập luận rằng nghiên cứu khoa học cho thấy chất lượng không khí kém có thể dẫn đến bệnh hen suyễn, bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và gây giảm tuổi thọ.
Năm 2019, dù chính quyền Jakarta cũng đã công bố các biện pháp hạn chế mới đối với việc sử dụng ô tô cá nhân để kiềm chế tình trạng ô nhiễm không khí nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Theo Trung tâm Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), đô thị hóa nhanh chóng và vấn nạn ùn tắc giao thông kinh niên là những yếu tố góp phần khiến chất lượng không khí ở thủ đô Indonesia trở nên tồi tệ cùng với việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than gần đó.
Sống trong không khí ô nhiễm, người dân đâm đơn kiện chính quyền - Ảnh: Reuters
Theo dõi chất lượng không khí đối với các hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí (PM 2.5) của trạm đo đặt tại đại sứ quán Mỹ tại Jakarta vào năm 2019 cho thấy có 172 ngày không khí không tốt cho sức khỏe ở thành phố này.
Mặc dù chính quyền đã ban hành một số biện pháp giãn cách chống dịch nhưng chất lượng không khí của Jakarta không cải thiện là bao trong đại dịch COVID-19, với hình ảnh vệ tinh cho thấy các nhà máy điện ở các tỉnh lân cận hoạt động như bình thường.
CREA đã xác định 136 cơ sở công nghiệp đã đăng ký, bao gồm cả các nhà máy điện là các “đối tượng” phát thải khí ô nhiễm cao ở Jakarta và toạ lạc trong bán kính 100 km xung quanh thành phố.