WHO: Làm việc 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ tử vong

Thứ Ba, 18/05/2021 11:52  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 18-5, AFP dẫn thông tin từ một nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố cho thấy làm việc hơn 55 giờ một tuần làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim và đột quỵ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế là phân tích toàn cầu đầu tiên về các nguy cơ đối với cuộc sống và sức khỏe liên quan đến việc làm việc nhiều giờ.

Nó tập trung nghiên cứu vào thời kỳ trước đại dịch Covid-19 bùng phát và các tác giả đã tổng hợp dữ liệu từ hàng chục nghiên cứu liên quan đến hàng trăm nghìn người tham gia.

Maria Neira, giám đốc bộ phận môi trường, biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO cho biết: “Làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đã đến lúc tất cả chúng ta - chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động - phải thức tỉnh trước thực tế rằng thời gian làm việc kéo dài có thể dẫn đến tử vong sớm".

Nghiên cứu kết luận rằng làm việc 55 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần có liên quan đến việc ước tính tăng 35% nguy cơ bị đột quỵ và tăng 17% nguy cơ tử vong do thiếu máu cơ tim, so với làm việc ở mức 35 đến 40 giờ.

WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính trong năm 2016, 398.000 người chết vì đột quỵ và 347.000 người vì bệnh tim sau khi làm việc ít nhất 55 giờ mỗi tuần.

Từ năm 2000 đến năm 2016, số người chết do bệnh tim liên quan đến thời gian làm việc dài đã tăng 42%, trong khi con số đột quỵ tăng 19%.

Hầu hết các trường hợp tử vong được ghi nhận là ở những người từ 60 đến 79 tuổi, những người đã làm việc 55 giờ hoặc hơn mỗi tuần khi họ từ 45 đến 74 tuổi.

Nghiên cứu của WHO chỉ ra làm việc 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ tử vong- Ảnh: AFP

WHO cho biết: “Làm việc nhiều giờ là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 tổng gánh nặng bệnh tật liên quan đến công việc ước tính, nó được coi là yếu tố nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh nghề nghiệp lớn nhất” - WHO cho biết.

Frank Pega, một quan chức kỹ thuật từ bộ phận WHO của Neira cho biết nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về tác động đối với nam giới và phụ nữ làm việc nhiều giờ.

Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật đặc biệt cao ở nam giới - chiếm 72% số ca tử vong - vì họ đại diện cho một tỷ lệ lớn người lao động trên toàn thế giới và do đó mức độ phơi nhiễm "cao hơn ở nam giới", Pega nói với các phóng viên.

Tỷ lệ này cũng cao hơn ở những người sống ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nơi có nhiều lao động ở khu vực phi chính thức có thể phải làm việc dài ngày, Pega nói thêm.

WHO cũng lo ngại về xu hướng số người làm việc nhiều giờ ngày càng tăng. Nó hiện đại diện cho 9% tổng dân số thế giới.

Tổ chức cũng nói rằng cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 có thể dẫn đến xu hướng tăng giờ làm việc.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể cách làm việc của nhiều người. Làm việc từ xa đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiều ngành công nghiệp, thường làm mờ ranh giới giữa gia đình và cơ quan. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa hoạt động để tiết kiệm tiền, và những người vẫn đang trong biên chế sẽ làm việc với giờ làm lâu hơn”.

"Không có công việc nào đáng để phải chịu (hy sinh) cho nguy cơ bị đột quỵ hoặc bệnh tim. Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần làm việc cùng nhau để thống nhất về các giới hạn để bảo vệ sức khỏe của người lao động".

Trích dẫn một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, được thực hiện trên 15 quốc gia, Pega cho biết: "Khi các quốc gia rơi vào tình trạng phong toả chống dịch, số giờ làm việc tăng khoảng 10%”.

Làm việc tại nhà, kết hợp với việc số hóa các quy trình làm việc ngày càng gia tăng khiến việc ngắt kết nối trở nên khó khăn hơn, ông nói, khuyến nghị nên lập lịch trình hợp lý hơn về thời gian nghỉ ngơi và thời gian dành cho cá nhân.

Đại dịch cũng làm gia tăng tình trạng mất an ninh việc làm, trong thời kỳ khủng hoảng, có xu hướng thúc đẩy những người đã giữ việc làm của họ đi làm thêm để chứng tỏ chỗ đứng của họ trong một thị trường cạnh tranh hơn, Pega nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang