(CAO) Từ những đoàn người đứng dàn trước các cửa hàng bán gà rán KFC để la ó, phản đối đến việc nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) Trung Quốc hùa nhau cầm điện thoại iPhone đập bể rồi đưa lên mạng Internet khoe “chiến tích”, những tuần qua các doanh nghiệp Mỹ như KFC hay Apple đang khốn đốn tại Trung Quốc vì làn sóng tẩy chay hàng hóa sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực PCA .
Trong khi dân Philippines vui mừng vì Tòa PCA hôm 12-7 tuyên Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền trên Biển Đông bằng yêu sách đường chín đoạn thì tâm trạng của một bộ phận dân Trung Quốc lại tỏ ra tức tối trước phán quyết này. Cho rằng Mỹ đứng sau “giật dây” tổ thẩm phán khiến họ đưa ra phán quyết "sai lầm", nhiều người dân ở các tỉnh, thành Trung Quốc hùa nhau tẩy chay các sản phẩm thuộc các thương hiệu Mỹ, mà KFC hay Apple là những tên tuổi chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Tờ Korea Times hôm 21-7 dẫn lời một người dân Trung Quốc hùng hổ chỉ trích: “Căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông vì phán quyết của tòa. Chúng tôi sẽ tẩy chay các sản phẩm của Mỹ, và tôi sẽ đi đầu trong việc tẩy chay bằng cách…đập nát điện thoại iPhone của mình”.
Trên mạng xã hội Weibo tiếp tục lan truyền hình ảnh và video đập iPhone một cách khí thế, lan đi với lời kêu gọi “Hãy trở thành 1 người yêu nước bằng việc đập nát iPhone của bạn”.
iPhone bị dân Trung Quốc đập nát rồi khoe lên Internet như một "chiến tích" để phản đối phán quyết của PCA - Ảnh: Twitter
Còn trước các cửa hàng KFC, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Tờ Người Thượng Hải đưa tin đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình trước cửa hàng gà rán KFC ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc (Qinhuangdao, Hebei) với lực lượng cảnh sát khi đám đông chực chờ phá vòng vây cảnh sát để xông vào trong. Họ hét lớn “ Yêu nước không phải là phạm pháp”.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lan ra khắp Trung Quốc sau phán quyết thấu tình, đạt lý của PCA. Lỗi này trước hết thuộc về chính quyền Bắc Kinh khi nhiều năm qua họ ra sức tuyên truyền yêu sách đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông cho các tầng lớp dân chúng. Từ việc vẽ đường lưỡi bò vào các bản đồ đưa vào sách giáo khoa giảng dạy, đến việc phát hành hộ chiếu in đường lưỡi bò.
Mỗi ngày truyền thông nhà nước lại ra rả đưa thông tin đã bị kiểm duyệt rằng đường lưỡi bò là hợp pháp. Bên cạnh đó, Bắc Kinh ra sức chặn các luồng thông tin quốc tế đến với dân chúng. Từ việc ngăn Google hoạt động như một công cụ tìm kiếm ở nước này, đến việc chặn các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, chặn các trang báo nước ngoài. Tất cả khiến yêu sách “đường lưỡi bò là hợp pháp” ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
New York Times số ra ngày 7-7 đã nhận định chính quyền Tập Cận Bình rất khó “hạ nhiệt” căng thẳng vì đã phóng lao thì phải theo lao. Ông Tập trước nay vẫn dùng vấn đề tranh chấp trên Biển Đông để tạo ra lực lượng ủng hộ trong nước, đề cao chủ nghĩa dân tộc, lấy Biển Đông nhằm khơi lên sự ủng hộ sâu sắc hơn đối với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và dùng vấn đề này để siết chặt quyền lực quản lý quân đội của ông.
Dân Trung Quốc biểu tình rầm rộ trước cửa hàng KFC sau phán quyết của PCA - Ảnh: shanghaiist.com
Khi PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines, chủ nghĩa dân tộc ở nước này lại được dịp bùng lên tương tự làn sóng biểu tình, tẩy chay hàng hóa Nhật tại Trung Quốc năm 2012 xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku trên biển Hoa Đông.
Lần này, một bộ phận dân Trung Quốc lại hùa nhau tấn công các thương hiệu Mỹ, hành động được nhận định là đang tự giơ chân đá đổ chén cơm của chính mình vì iPhone do chính công nhân Trung Quốc lắp ráp, còn gà rán KFC cũng được nội địa hóa khi gà , quy trình thực hiện cũng như nhân viên của chuỗi cửa hàng này đều là sản phẩm của Trung Quốc và do chính người Trung Quốc chiếm phần lớn trong cơ cấu điều hành.
Truyền thông Trung Quốc không muốn làn sóng biểu tình lan rộng như kỳ tẩy chay hàng Nhật nên nhiều báo, đài đã kêu gọi người dân chấm dứt hành động biểu tình, tẩy chay “phi pháp”.
Biểu tình tẩy chay rầm rộ - Ảnh: shanghaiist.com
Tờ Nhân dân Nhật báo (Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) viết trong bài xã luận rằng: “Chúng ta không thể đòi hỏi quyền lợi cho chính mình nếu chúng ta không đảm bảo các quyền hợp pháp và lợi ích của người khác".
Thế mới biết từ một chính sách bành trướng sai lầm đã biến đổi tư duy của một xã hội đến mức nào.
Trao đổi với phóng viên báo CATP về chủ nghĩa cực đoan đang gia tăng gần đây sau phán quyết của Tòa khi một số người dân nước này tẩy chay hàng hóa Mỹ như biểu tình trước chuỗi cửa hàng gà rán KFC hay đập điện thoại iPhone vì cho rằng Mỹ đứng sau tác động đến phán quyết, PGS. Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng những hành động cực đoan này không khác gì việc tự vung tay đánh chính mình. Trong một xã hội toàn cầu, các sản phẩm trên không chỉ có vốn đầu tư của riêng Mỹ mà còn của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào đầu tư . Đó là những sản phẩm hợp tác giữa các đối tác toàn cầu (trong đó có Trung Quốc). Việc sử dụng nhân công , nhân lực điều hành v..v cũng liên quan đến nguồn nhân lực lao động của Trung Quốc đã và đang tham gia vào chuỗi các sản phẩm này – ông Batongbacal nhấn mạnh. PGS. Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines trả lời phóng viên báo CATP ngày 23- 7 |
Cảnh sát phải đứng dàn trước cửa hàng KFC để đề phòng những người manh động - Ảnh: shanghaiist.com
Một thanh niên giương cờ Trung Quốc tẩy chay KFC - Ảnh: shanghaiist.com