Phiên tòa PCA xử vụ kiện Biển Đông của Philippines:

Bắc Kinh bất an trước giờ phán quyết

Thứ Hai, 11/07/2016 11:12

|

(CAO) Vụ kiện Trung Quốc của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông kéo dài ròng rã từ tháng 1-2013, hôm nay 12-7 sẽ có phán quyết cuối cùng từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan).

5 thành viên tòa PCA do thẩm phán người Ghana – Thomas Mensah đứng đầu đã có hơn 3 năm nghiên cứu tài liệu trước khi đưa ra quyết định cuối. Cộng đồng quốc tế đang trông chờ công lý “Cái gì của César thì trả cho César”.

Tờ New York Times hôm 7-7 với bài viết nhan đề “Bắc Kinh lo sợ khi phán quyết đến gần” nói về nỗi bất an của chính quyền khi tòa PCA chuẩn bị tuyên án trong khi Trung Quốc không có cơ sở vững chắc nào để chứng minh chủ quyền “đường 9 đoạn” của mình. 

Mở đầu bài báo, tác giả Jane Perlez miêu tả quang cảnh “có một không hai” trong phiên tòa khi 5 thẩm phán ngồi nghe luật sư của đoàn Philippines trang bị laptop chứa tư liệu để thuyết trình về chứng cứ lịch sử của Manila trên Biển Đông còn hàng ghế đối diện dành cho bị cáo, cả 3 chiếc ghế đều còn trống. Trung Quốc từ chối tham dự PCA – cơ hội cho họ giải trình về “cơ sở chủ quyền” trên Biển Đông và tẩy chay phiên tòa vì theo họ “PCA không có thẩm quyền phân xử”.

“Bắc Kinh ngây ngô khi nói rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ lẫn Trung. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ có quyền vẽ ra đường ranh chia đôi Thái Bình Dương ra và nói: Mỹ hãy trấn phía đông, còn chúng tôi sẽ kiểm soát tất cả ở khu vực tây Thái Bình Dương bao gồm cả vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”

                  - Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á -

Rồi một tuần trước thềm tòa tuyên án, New York Times mô tả tâm trạng “bồn chồn” của Bắc Kinh khi họ quyết định tập trận hải quân rầm rộ trên Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), nơi hải quân nước này thiết đặt hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Tất cả là màn “dằn mặt” trước ngày phán quyết cuối.

Và trong những tháng gần đây, dù Bắc Kinh nhiều lần lặp lại rằng tòa PCA không có tư cách phân xử nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn ráo riết thực hiện các chiến dịch vận động hành lang bên ngoài phòng xử, khi điền tên nhiều quốc gia từ Nga đến Togo vào “danh sách ủng hộ” lập trường trên Biển Đông của mình.

Bài báo trên báo in New York Times ngày 7-7 phân tích diễn biến trước ngày phán quyết

Phán quyết của tòa PCA dù không có cơ chế nào để buộc Bắc Kinh tuân thủ, nhưng nếu không tuân theo nó sẽ thành “phép thử” cho cộng đồng quốc tế thấy cam kết tuân thủ luật pháp và các công ước quốc tế trước nay của Trung Quốc có được tuân thủ đúng hay không.

Trung Quốc khởi xướng cuộc đua xây dựng các công trình trên Biển Đông khi họ dùng cát bồi lấp, xây đảo nhân tạo và trang bị trên các “đảo” này hệ thống radar và đường băng. Xây dựng rầm rộ nhưng nếu Tòa PCA tuyên bản án có lợi cho Philippines – chính quyền Tập Cận Bình sẽ bị đẩy vào “thế kẹt” khó ăn nói với dư luận trong nước.

Dù Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) không quy định rõ cách phân định chủ quyền ở các bãi đá chìm trên biển, nhưng Philippines đã có cách tiếp cận rất khôn khéo khi vận dụng UNCLOS để đưa Trung Quốc ra tòa.

Quang cảnh trong phiên tòa PCA xử vụ kiện Biển Đông của Philippines với ghế bị cáo (Trung Quốc) bị bỏ trống bên phải khi họ không tham dự phiên tòa - Ảnh: pcacases.com

New York Times đã liệt kê những cách tiếp cận này của Philippines:

1/ Philippines yêu cầu Tòa PCA làm rõ yêu sách đường chín đoạn, khi Trung Quốc cho rằng mình sở hữu các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa (dù cả hai quần đảo này đều của Việt Nam), rồi lấy các bãi đá này để tính chủ quyền trên biển. Nhưng Manila lập luận rằng các bãi đá ngầm này, thậm chí là các đảo nhân tạo (Trung Quốc đổ cát bồi lấp) có diện tích quá nhỏ để có thể từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế xung quanh. UNCLOS quy định vùng chủ quyền lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ bờ biển. Nhưng công ước này cũng quy định các bãi đá ngầm bị thủy triều lên xuống nhấn chìm khiến các thực thể này lúc chìm, lúc nổi, và kể cả đảo nhân tạo không được hưởng các quyền hàng hải ( như lãnh hải và EEZ).

2/ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa ở một điểm nữa chính là việc cáo buộc Bắc Kinh vi phạm UNCLOS khi xây dựng đảo nhân tạo xâm phạm vào vùng EEZ của nước này, khiến ngư dân lao đao vì mất ngư trường đánh bắt thủy sản, gây nguy hiểm cho tàu bè qua lại và tàn phá hệ sinh thái biển nơi Bắc Kinh xây dựng các công trình. Manila yêu cầu Tòa PCA bác yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” ôm trọn Biển Đông không dựa trên cơ sở pháp lý nào của Trung Quốc.

Đường chín đoạn được Bắc Kinh tự tiện đặt ra, và gọi đó là “chủ quyền lịch sử” nằm trong những tấm bản đồ được họ xuất bản vào thập niên 40, 50. Nhưng đến nay Bắc Kinh chưa giải thích rõ ràng cho cộng đồng quốc tế là dựa vào cơ sở luật pháp nào mà họ vẽ nên đường 9 đoạn này.

Trung Quốc từng từ bỏ bất cứ xác lập chủ quyền nào trên Biển Đông khi họ đặt bút ký UNCLOS vào năm 1996, giai đoạn mà họ còn tuân thủ luật chơi quốc tế.

Tuy nhiên những năm gần đây, Bắc Kinh “trở mặt” bác bỏ UNCLOS. Thậm chí với Tòa PCA là một trong những cơ chế phân xử theo luật pháp của UNCLOS, Bắc Kinh cũng trở mặt mỉa mai phiên xử vụ kiện của Philippines là “một trò hề”.

New York Times dẫn lời Lục Khảng – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “Chúng tôi không chấp nhận và sẽ không bao giờ công nhận nó”.

Năm thành viên của Tòa Trọng tài PCA xét xử vụ kiện Trung Quốc của Philippines - Ảnh: PCA

Thái độ này buộc Mỹ phải phản ứng khi Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên toàn cầu. Trước các động thái ngày càng ngang ngược của Bắc Kinh, chính quyền Obama đã tăng cường cho tàu chiến tuần tra trên Biển Đông và tăng cường quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực. Tuy nhiên New York Times nhận định động thái này của Mỹ cũng rất ít có tác động.

New York Times dẫn lời Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á chỉ trích “Bắc Kinh ngây ngô khi nói rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ lẫn Trung. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ có quyền vẽ ra đường ranh chia đôi Thái Bình Dương ra và nói: Mỹ hãy trấn phía đông, còn chúng tôi sẽ kiểm soát tất cả ở khu vực tây Thái Bình Dương bao gồm cả vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”.

Gần đến ngày PCA phán quyết (12-7), Bắc Kinh ráo riết lôi kéo nhiều nước như Nga nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông đồng thời gây áp lực ngăn cản Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố chung về Biển Đông tại hội nghị ở Côn Minh. Gần đây, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng để ngỏ khả năng đàm phán song phương với Bắc Kinh về Biển Đông khi vụ xử của PCA do người tiền nhiệm của ông khởi xướng vẫn đang được tiến hành.

Tàu tuần duyên 3303 của Trung Quốc lởn vởn trước mũi tàu chiến Imam Bonjol 383 của hải quân Indonesia ở vùng biển gần quần đảo Natuna Ảnh: Antara

New York Times nhận định chính quyền Tập Cận Bình rất khó “hạ nhiệt” căng thẳng vì đã phóng lao thì phải theo lao. Ông Tập trước nay vẫn dùng vấn đề tranh chấp trên Biển Đông để tạo ra lực lượng ủng hộ trong nước, đề cao chủ nghĩa dân tộc, lấy Biển Đông nhằm khơi lên sự ủng hộ sâu sắc hơn đối với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và dùng vấn đề này để siết chặt quyền lực quản lý quân đội của ông.

Các nhà phân tích nhận định để theo ngọn lao đã phóng đi, sau phán quyết có lợi cho Philippines của tòa PCA, Bắc Kinh có thể gia tăng chuỗi hoạt động xây dựng trên Biển Đông mà trước mắt là việc bồi lấp để chuyển bãi cạn Scarborough cưỡng chiếm của Philippines năm 2012 thành đảo nhân tạo nhằm thách thức cộng đồng

Trước ngày PCA phán quyết, Bắc Kinh đang vùng vẫy đối phó với phiên tòa. Tuy nhiên họ quên một điều quan trọng nhất đó là sự thật. Cái không phải của mình thì mãi mãi là không phải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang