Đảng Công nhân người Kurd (PKK) giải tán sau 40 năm đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 12/05/2025 17:29  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 12/5, Reuters đưa tin nhóm chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đối đầu với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn bốn thập kỷ, đã quyết định giải tán và chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang của mình.

Quyết định của PKK là động thái có thể thúc đẩy sự ổn định chính trị và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến khích các động thái nhằm xoa dịu căng thẳng ở quốc gia láng giềng Iraq và cả ở Syria, nơi lực lượng người Kurd liên minh với lực lượng Mỹ.

Kể từ khi PKK phát động đòi ly khai vào năm 1984, cuộc xung đột đã giết chết hơn 40.000 người, gây ra gánh nặng kinh tế to lớn và làm gia tăng căng thẳng xã hội. PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.

"Đại hội lần thứ 12 của PKK đã quyết định giải tán cơ cấu tổ chức của PKK... và chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang", hãng thông tấn Firat đưa tin trong tuyên bố bế mạc của một đại hội được tổ chức vào tuần trước tại miền bắc Iraq, nơi nhóm này đặt trụ sở.

PKK đã tổ chức đại hội để đáp lại lời kêu gọi giải tán vào tháng 2 của thủ lĩnh Abdullah Ocalan, người đã bị giam giữ trên một hòn đảo phía nam Istanbul từ năm 1999. Hôm 12/5, PKK cho biết ông sẽ quản lý quá trình này.

Những người biểu tình giơ cao ảnh của Abdullah Ocalan - thủ lĩnh của PKK - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, không rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đồng ý để Ocalan tiếp tục vai trò hay không. Cũng không có thông tin chi tiết về cách thức giải trừ vũ khí và giải tán PKK trên thực tế.

Dư luận cũng chưa biết quá trình này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng dân quân YPG người Kurd ở Syria, nếu có. YPG chỉ huy một lực lượng đồng minh của Mỹ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở đó và được Thổ Nhĩ Kỳ coi là một chi nhánh của PKK. YPG trước đây đã nói rằng lời kêu gọi của Ocalan không áp dụng cho họ.

Quyết định của PKK sẽ trao cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Tayyip Erdogan cơ hội thúc đẩy phát triển ở khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có chủ yếu là người Kurd sinh sống. Khu vực này cũng là nơi chứng kiến cuộc nổi loạn đã làm suy yếu nền kinh tế khu vực trong nhiều thập kỷ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang