(CAO) Hôm 14-7, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ đã ra thông cáo bác các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Bước đi này bị Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt, cho rằng tuyên bố của Washington kích lên căng thẳng trong khu vực. Bước đi cũng cho thấy quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi.
Trong tuyên bố phát đi, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc không đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng cho những tham vọng của họ ở Biển Đông và trong nhiều năm đã liên tục hăm doạ chống lại các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á.
Chúng tôi đang truyền đi thông điệp rất rõ ràng rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết diện tích Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng như chiến dịch sử dụng các hành vi bắt nạt để kiểm soát chúng cũng vậy”.
Từ trước đến nay Mỹ luôn phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bên cạnh các hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép các cơ sở quân sự trên những bãi cạn nước này chiếm đóng trái pháp luật quốc tế trên Biển Đông. Mỹ liên tục gửi tàu chiến và máy bay tuần tra đi qua vùng biển này để phát đi thông điệp đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các tuyên bố được phát đi hôm 13-7 (giờ Mỹ) được Reuters nhận định là mang tính chất cứng rắn hơn.
Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như một đế chế hàng hải của riêng mình”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - Ảnh: Reuters
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết trong một tuyên bố vào ngày 13-7 (giờ Mỹ) rằng cáo buộc của Washington là hoàn toàn phi lý. Thông cáo cáo buộc rằng: "Bên dưới cái cớ là để giữ gìn sự ổn định, Mỹ đang phô trương “cơ bắp”, khuấy động căng thẳng và kích động sự đối đầu trong khu vực".
Trong khi đó, các thành viên cấp cao của lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ủng hộ lập trường của thông cáo Mỹ vừa phát đi.
“Việc tiếp tục lập trường mập mờ liên quan đến chính sách của chúng tôi đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không còn phục vụ lợi ích chung của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” - hai Thượng nghị sĩ Jim Risch và Bob Menendez và các đại diện của hai hạ nghị sĩ Eliot Engel và Michael McCaul nói trong một tuyên bố, lý giải vì sao họ ủng hộ thông cáo mới nhất.
Chính sách của Mỹ trước đây mập mờ ở chỗ nó kêu gọi tất cả các bên liên quan trên Biển Đông giải quyết các tranh chấp của họ một cách hòa bình, ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng nó không đề cập đến tính hợp pháp của các yêu sách trên vùng biển này.
Các nhà phân tích khu vực cho biết sẽ rất quan trọng để xem liệu các quốc gia khác có chấp nhận lập trường của Mỹ hay không và nếu có thì Washington có thể làm gì để củng cố vị thế của mình và ngăn chặn Bắc Kinh có các hành động để củng cố các yêu sách của mình.
Nhóm tàu sân bay Mỹ hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ
Mối quan hệ giữa Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng trong 6 tháng qua vì dịch Covid-19, cùng việc 2 bên bất đồng nhau về hàng loạt vấn đề từ luật an ninh Hong Kong, vấn đề Đài Loan cho đến nhân quyền ở Tân Cương...
Đối với Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên 90% diện tích của vùng biển này bằng yêu sách đường chín đoạn.
Đánh giá tuyên bố lần này của Mỹ, Reuters dẫn lời Chris Johnson - một nhà phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: Về cơ bản, đây là lần đầu tiên chúng tôi gọi thẳng các tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp. Tuy nhiên đưa ra tuyên bố là một chuyện, nhưng làm gì tiếp sau đó lại là chuyện khác”.
(CAO) Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, hai chiếc tàu sân bay của Mỹ cùng nhau hiện diện trên Biển Đông.
(CAO) Hôm nay 15-12, BBC đăng bài viết nhan đề “Bay gần các đảo mới Trung Quốc xây (trái phép) trên Biển Đông”. Bài viết mô tả hành trình của phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes cách đây vài ngày khi có dịp ngồi trên máy bay ngắm các bãi đá như Vành Khăn bị Bắc Kinh cải tạo, xây dựng trái phép.