Đối thoại Shangri-la:

Nhật hứa giúp các nước châu Á xây dựng năng lực phòng thủ trước Trung Quốc

Thứ Bảy, 04/06/2016 13:30  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm nay 4-6, phát biểu tại Diễn đàn an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) – Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nhấn mạnh nước này sẽ giúp các quốc gia châu Á khác xây dựng năng lực phòng thủ an ninh trước những hành động đơn phương, nguy hiểm mang tính cưỡng chế trên Biển Đông.

Reuters dẫn lời ông Nakatani cho rằng: “Trên Biển Đông, chúng tôi đang chứng kiến quy mô lớn quá trình cải tạo đất nhanh chóng và việc xây các tiền đồn để sử dụng chúng cho những mục đích quân sự”.

Tuy không nói cụ thể nước nào nhưng những phát biểu của Nakatani được cho đang nhắm đến Trung Quốc- quốc gia đang bành trướng tham vọng chiếm trọn Biển Đông trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nhấn mạnh: “Không quốc gia nào có thể đứng ngoài những vấn đề này”.

Reuters nhận định trước những động thái ráo riết gần đây của Bắc Kinh từ việc bồi đắp các đảo nhân tạo đến xây các công trình từ hải đăng đến đường băng, lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không trên Biển Đông khiến Tokyo “chột dạ” khi Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng nơi hàng hóa xuất, nhập khẩu của Nhật Bản đi qua.

Nhật xem việc chiếm được Biển Đông là một bước đi tiến gần hơn đến quá trình gây ảnh hưởng hàng hải lên các vùng biển khác như biển Hoa Đông mà Nhật- Trung đang có tranh chấp lãnh thổ ở đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2016 - Ảnh: Reuters

Ông Gen Nakatani nhấn mạnh tại Đối thoại Shangri-la rằng Tokyo đang giúp các nước châu Á khác (như Philippines) nâng cao khả năng giám sát an ninh, tiến hành các hoạt động liên kết đào tạo quân sự và giúp các nước này về phương diện cung cấp khí tài quân sự, cũng như hợp tác chia sẻ về công nghệ quốc phòng.

Hồi tháng 5, Nhật cho Philippines thuê 5 máy bay King Air TC-90 , loại máy bay phản lực cánh quạt 2 động cơ để Manila sử dụng tuần tra.

Nhật cũng đang siết chặt hợp tác quốc phòng với các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam và Indonesia.

Nói về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague sắp tới về vụ kiện Trung Quốc của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông, Bộ trưởng Nakatani nhấn mạnh: “Phán quyết của PCA phải được thực thi nghiêm túc, đầy đủ bởi các bên tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ xử của PCA và nói tòa không có thẩm quyền để đưa ra phán quyết.

Trong một diễn biến khác hôm 3-6, Tân Hoa Xã đưa tin quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã đến Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Trung Quốc để “thắt chặt mối quan hệ thân hữu”. 

Quốc vương Campuchia (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: News.cn

Trước khi tòa PCA ra phán quyết, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Brunei, Campuchia, Lào vào tháng 4 để “lôi kéo” các nước này về quan điểm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường đàm phán song phương giữa Trung Quốc với các nước liên quan.

Ông Nghị cũng khẳng định Lào và Campuchia đã nhất trí rằng vấn đề tranh chấp trên Biển Đông không phải là vấn đề chung giữa ASEAN với Trung Quốc mà chỉ là vấn đề nội bộ giữa Bắc Kinh với các nước có tranh chấp trực tiếp như Philippines và Việt Nam.

Bình luận (1)

Trung quốc với giấc mộng bá quyền từ ngàn đời nay. Đến thời của ông tập cận bình đã lộ rõ bản chất bành trướng, ngang ngược. Trung quốc thách thức cả thế giới còn lại, trung quốc sẽ tự cô lập mình . Chắc chắn TQ sẽ dùng sức mạnh quân sự để răn đe lấn lướt các nước láng giềng. Chúng ta phải tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để kìm hãm trung quốc.

Anh tai - Thứ Bảy, 04/06/2016, 21:51 Trả lời | Thích
Lên đầu trang