(CAO) Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – người được mệnh danh là “Donald Trump” của nước này đang gây sốc dư luận bởi những phát ngôn bạt mạng không kém phiên bản gốc ở Mỹ.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng trước, ông Duterte nay đang sử dụng quyền tổng thống để nói về các vấn đề từ tham nhũng đến mối quan hệ đồng minh với Mỹ theo cách nói nghịch tai.
Giết hết tội phạm
Hôm 31-5 trong buổi họp công bố nội các, tờ Guardian (Anh) dẫn lời ông Duterte tuyên bố: những nhà báo có hành vi tham nhũng, nếu có bị ám sát cũng là chuyện hợp lý. Quan điểm của vị tân tổng thống này là "nếu bạn không làm gì sai thì sẽ không có ai hại bạn".
Ông Duterte cũng từng nói đến quan điểm này trong cuộc họp báo ở Manila vào tuần trước: “Nếu anh là một gã chó đẻ thì việc anh là nhà báo chẳng khiến anh thoát được việc bị ám sát”.
Những phát ngôn này nằm trong chiến dịch quét sạch tội phạm trên toàn lãnh thổ Philippines của tân chính phủ trong vòng 6 tháng. Duterte từng cam kết sẽ thẳng tay giết hết tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, giết người.
Thời ông Duterte làm thị trưởng thành phố Davao - ở đảo Mindanao tỷ lệ tội phạm ở thành phố này giảm mạnh bởi những lần bố ráp tội phạm của lực lượng an ninh.
Tuy nhiên, tờ New York Times (Mỹ) hôm 17-5 với bài viết “Phát ngôn giết tội phạm của Rodrigo Duterte làm gia tăng lo sợ ở Philippines” dẫn cáo buộc của các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết trong thời kỳ làm thị trưởng ở Davao, ông Duterte đã điều hành các đội an ninh thẳng tay giết hàng trăm người bị tình nghi là tội phạm không thông qua xét xử.
Poster của ông Duterte treo ở Davao - Ảnh: New York Times
Những đội an ninh này đã quần thảo trên các tuyến phố của Davao, bắt giữ sau đó thủ tiêu những cá nhân gồm cả trẻ em lang thang trên đường phố khi quy chúng vào diện tội phạm ma túy.
New York Times dẫn lời ông Duterte nói trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 4: “Tôi sẽ sử dụng quân đội và cảnh sát để đi ra ngoài và bắt giữ họ (tội phạm) và săn lùng họ […] Tôi sẽ chỉ đơn giản một quan điểm : Giết tất cả và kết thúc vấn đề."
Ông Duterte trước nay luôn bác bỏ những cáo buộc rằng ông “bật đèn xanh” cho cảnh sát Davao tổ chức bắt bớ và giết hại nhiều người khi quy cho họ là tội phạm.
Tuy nhiên điều đó không làm giảm đi bầu không khí lo sợ đang lan khắp Philippines lúc này với những tuyên bố “giết sạch, giết tất” của ông trong tư cách là tổng thống. Người dân không dám hình dung khi vị tân tổng thống này huy động cảnh sát, quân đội quốc gia vào cuộc để “tắm máu” hàng ngàn người. Nếu điều đó xảy ra sẽ là một thảm họa diệt chủng trên diện rộng.
Không phụ thuộc vào đồng minh Mỹ
Khi những phát ngôn “giết tội phạm” chưa lắng thì hôm 1-6, Reuters dẫn lời ông Duterte tuyên bố sẽ không phụ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ mà sẽ có phương cách giải quyết độc lập những vấn đề mâu thuẫn với Trung Quốc, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông.
Tân tổng thống Philippines nhấn mạnh: “Philippines có quan hệ với phương Tây, nhưng chúng tôi có cách giải quyết của riêng mình. Philippines sẽ không phụ thuộc vào Mỹ. Chúng tôi cũng không có ý định làm vừa lòng bất kì ai khác ngoài lợi ích của người dân Philippines”.
Trước nay, ông Duterte bày tỏ quan điểm muốn đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với sự tham gia của cả Mỹ, Úc và Nhật và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền 200 hải lý trên Biển Đông.
Bãi cạn Scarborough - đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Chính quyền Duterte muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp đa phương - Ảnh: Inquirer.net
Trong động thái muốn hàn gắn mối quan hệ với Bắc Kinh, Reuters dẫn lời tân ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuyên bố mối quan hệ Philippines- Trung Quốc nên sớm được cải thiện vì một “tình bạn và mối quan hệ bền chặt hơn” với điều kiện “Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Philippines”.Bắc Kinh đã hoan nghênh tuyên bố này của ngoại trưởng Yasay.
Như vậy trong chính sách đối ngoại, chính quyền Duterte lấy chủ nghĩa dân tộc làm chủ đạo khi nhấn mạnh lợi ích dân tộc là ưu tiên. Chưa biết chính sách này sẽ đi về đâu nhưng trước mắt nó có thể giúp “xuống thang” căng thẳng với Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu đàm phán đa phương về vấn đề tranh chấp trên biển.