Biển Đông “phủ bóng” đối thoại Shangri-la

Thứ Sáu, 03/06/2016 09:32  | Anh Duy

|

(CATP) Hôm nay 3-6 tại Singapore, diễn đàn an ninh khu vực châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 chính thức khai mạc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia Shangri-La lần này.

Vấn đề tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ thành tâm điểm bàn thảo khi Trung Quốc ráo riết bồi đắp các bãi đá ngầm bên cạnh hoạt động xây công trình trái phép từ hải đăng đến đường băng, triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến Hoàng Sa… với mục đích biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Trước thềm đối thoại diễn ra, Mỹ- Trung đã chỉ trích nhau kịch liệt về vấn đề này. AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 27-5 nhấn mạnh: “Các nước trong khu vực đang cất lên tiếng nói quan ngại ở mức cao nhất” về các hành động của Trung Quốc (nhất là trong vấn đề Biển Đông). Ông cảnh báo: Bắc Kinh đang tạo ra một “Vạn lý trường thành tự cô lập” với cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương bất chấp luật pháp quốc tế.

Ông Carter phát biểu trước khi lên đường đến Singapore: "Hành động của Trung Quốc (ở biển Đông) thách thức những nguyên tắc cơ bản và chúng ta sẽ không nhìn đi hướng khác". Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc mang chủ đích đặt Biển Đông vào tâm điểm bàn thảo khi khuyến khích các nước “cùng nhìn về một hướng” để lên án hành động bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Căng thẳng tại Biển Đông dự kiến sẽ là tâm điểm bàn thảo trong Đối thoại Shangri-la lần này 

Reuters hôm 2-6 nhận định: đối thoại Shangri-la là cơ hội cuối cùng để Mỹ- Trung “lôi kéo” sự ủng hộ của các nước trước khi Tòa trọng tài thường trực The Hague (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông trong vài ngày tới.

Washington trước nay luôn bác đòi hỏi chủ quyền bằng “đường chín đoạn” phi pháp trong khi Trung Quốc tiếp tục bấu víu vào lập luận Biển Đông là “vùng biển lịch sử” để đòi chủ quyền dù không đưa được bằng chứng nào thuyết phục.

Reuters nhận định tại đối thoại Shangri-La lần này, Trung Quốc sẽ tìm cách vận động các nước không đưa ra quan điểm công khai về Biển Đông.Greg Poling- Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (thuộc CSIS, Mỹ) nhận định: "Ý nghĩa vụ kiện của Phlippines lên tòa PCA là gây ra những áp lực và sự tổn hại về uy tín lâu dài đối với Trung Quốc. Nhưng điều đó chỉ đạt được nếu bạn xây dựng được liên minh đủ lớn để quan tâm vấn đề này".

Nếu không có liên minh những người ủng hộ và quan tâm vụ kiện, ý định gây hiệu ứng quốc tế áp lực lên Trung Quốc sẽ thất bại.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia Đối thoại Shangri-la lần này - Ảnh:Quân đội nhân dân 

Hôm 1-6, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận của quân đội Trung Quốc cho biết nước này đang chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Theo đó, mọi tàu thuyền hay máy bay qua đây đều phải báo trước cho chính quyền Trung Quốc.

Thông tin “rò rỉ” này trước thềm Shangri-La khai mạc là chiêu “ném đá dò đường” của Bắc Kinh nhằm thăm dò phản ứng quốc tế trước khi đối thoại diễn ra và phán quyết sắp tới của tòa PCA. Trung Quốc đã chuẩn bị tất cả: từ đường băng dài 3km cho máy bay quân sự đáp ở đá Chữ Thập hay đảo Phú Lâm đến hệ thống tên lửa đất đối không triển khai trên đảo này.

Nhiều khả năng khi PCA ra phán quyết bất lợi hay bị cộng đồng quốc tế chất vấn “quá căng” tại Shangri-La lần này, Trung Quốc chỉ cần thông báo thiết lập ADIZ còn cơ sở hạ tầng quân sự đã cò sẵn bấy lâu.

Shangri-La -một địa điểm hư cấu được miêu tả trong tiểu thuyết năm 1933 Lost Horizon (Chân trời đã mất) của nhà văn Anh James Hilton. Đó là một thung lũng huyền thoại được xem là thiên đường hạ giới nơi người dân sống trong hạnh phúc an lành. Tên gọi này được lấy làm tên khách sạn ở Singapore nơi diễn ra những cuộc đối thoại thường niên về an ninh hôm nay. Biển Đông không còn là “thiên đường” yên bình mà đang “dậy sóng” vì những động thái bành trướng của Trung Quốc ở đây.

Đoàn Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngồi chung trong phiên thảo luận toàn thể thứ tư có chủ đề “Thách thức tìm giải pháp cho xung đột” ở đối thoại Shangri-la lần này. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ đến tham gia Shangri-la nhưng đã thay đổi lịch trình vào phút chót.

Đoàn Trung Quốc do đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội dẫn đầu. Đối thoại Shangri-la sẽ diễn ra đến hết ngày 5-6.

Bình luận (0)

Lên đầu trang