Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015

Thứ Năm, 31/12/2015 17:35  | Minh Phương

|

(CAO) Thời khắc giao thừa gần đến. Đây là lúc ôn lại những gì đã qua trong năm cũ để lường trước những gì sẽ xảy ra trong năm mới.

Một Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết đoán; tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng bành trướng ra khắp các khu vực; thủ đô Paris hoa lệ đau thương trong các cuộc tấn công khủng bố; quốc gia Nam Á Nepal rung chuyển với trận động đất kinh hoàng, phát hiện nước ở Sao Hoả…

2015 chứng kiến nhiều hành động ngang ngược, bi kịch nhưng cũng le lói hy vọng cho việc tìm ra một nơi ở mới cho loài người.

Căng thẳng trên biển

Một trong những thách thức khuấy động khu vực nhất năm qua xuất phát từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh gây căng thẳng với các láng giềng bằng những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, cùng các hoạt động tôn tạo đảo phi pháp trên Biển Đông.

Các nhà phân tích dự báo năm 2016, Biển Đông tiếp tục nổi sóng do Bắc Kinh sẽ tìm cách củng cố những yêu sách vô lý chiếm gần trọn vùng biển giàu tiềm năng dầu – khí này, làm dấy lên nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tàu USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ tuần tra trong vòng 12 hải lý tính từ một đảo Trung Quốc bồi đắp trên trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào cuối tháng 10 - Ảnh: 24 India News

Khủng hoảng di cư

Một châu Âu năm 2015 “oằn mình” đón nhận làn sóng di cư ồ ạt từ nhiều nước đổ về trong đó nhiều nhất vẫn là từ các nước thuộc khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Syria do cuộc nội chiến ở nước này.

Hàng ngàn người đi trên các con tàu ọp ẹp đã thiệt mạng giữa những đợt sóng hung hãn của Địa Trung Hải đem theo một giấc mơ chưa thành về cuộc sống sung túc ở “thiên đường” châu Âu.

Khủng hoảng di cư gây chia rẽ sâu sắc ngay trong nội khối của Liên minh Châu Âu (EU) khi Đức dang rộng tay đón dòng người di cư trong khi các nước khác như Hungary lại tung ra những biện pháp mạnh tay như dựng hàng rào dây thép gai để chặn những người di cư tràn đến.

Dòng người di cư tràn đến cũng mang theo nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa người dân sở tại với những người ngoại quốc do những khác biệt về văn hóa, quan niệm tôn giáo. Để giải quyết khủng hoảng này cần sự chung tay của nhiều quốc gia.

Một con tàu ọp ẹp chở dòng người di cư trái phép vượt Địa Trung Hải tràn đến châu Âu - Ảnh: mashable.com

IS lớn mạnh, ngày càng bành trướng thế lực

Một cuộc nội chiến tàn bạo đang chia năm sẻ bảy Syria và tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố nghĩ mình là một nhà nước là IS. Các lãnh đạo Mỹ gọi Bosnia là “vấn đề từ địa ngục” trong những năm 1990, nhưng mô tả này xem ra hợp với Syria ngày nay hơn.

Cuộc nội chiến này đã làm hao tổn tiền, lực ở Mỹ, các đồng minh của họ và Nga, lòi ra những kẻ thánh chiến đã thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở phương Tây và tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Các tay súng IS - Ảnh: Al Jazeera

Các vụ tấn công khủng bố ở Paris

Các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 1và tháng 11 là những gợi nhớ kinh hoàng rằng châu Âu vẫn rất dễ bị tổn thương với những biến động tàn phá Trung Đông và làn sóng giới trẻ bị cực đoan hoá. Trong vụ tấn công toà soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1, một trong những tay súng cam kết trung thành với thủ lĩnh IS, Abu Bakr al Baghdadi từ nhiều ngày trước đó.

Nhiều kẻ liên quan đến các vụ tấn công ngày 13-11 đã từng trải qua thời gian huấn luyện cùng IS ở Syria. Có nhiều bài học đáng báo động từ những vụ tấn công này: tình báo không thể theo dõi nhiều kẻ muốn làm thánh chiến đã đến và đi từ Syria; hợp tác giữa các cơ quan an ninh châu Âu còn yếu; và bọn khủng bố có khả năng dễ dàng kiếm được vũ khí gây tội ác ngay trong lòng châu Âu. 

An ninh Pháp tuần tra ở trung tâm Paris - Ảnh: fortune.com

Chiến lược gia Putin

Ở vị trí đứng đầu quốc gia lớn nhất thế giới, với sức mạnh quân sự vượt trội, 2015 có thể nói là năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đầu tiên là vụ đưa bán đảo Crimea “êm ả” từ Ukraine trở về Nga vào năm 2014 và giờ là can thiệp quân sự ở Syria. Bằng việc tiến hành các cuộc không kích chống lại IS ở Syria, Putin đã hỗ trợ đáng kể cho chính phủ mong manh của tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại IS lẫn lực lượng nổi dậy.

Các vụ ném bom vào các mục tiêu của IS cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho Phương Tây: Putin không dung thứ cho việc mất một đồng minh Trung Đông và sẽ chiến đấu để giữ ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Tổng thống Nga Putin - Ảnh: AP 

Động đất ở Nepal

Gần 9.000 người chết, khoảng 600.000 ngôi nhà bị san phẳng, trận động đất kinh hoàng ở Nepal hôm 25-4 gây ra thiệt hại kinh tế ước khoảng 10 tỷ USD, gần một nửa trong 19,2 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Ước tính của công ty nghiên cứu IHS Global Insights, tốn kém riêng chi phí xây dựng lại nhà cửa, đường sá và cầu cống cũng phải tới 5 tỷ USD.

Nepal thiệt hại nặng nề sau hai vụ động đất. - Ảnh: Getty Images

Hành vi phi thể thao

2015 là một năm xấu đối với môn thể thao đẹp. Bóng đá gây bão tin tức, nhưng không phải ở những bàn thắng đẹp mà về những người mặc comlê, đeo phù hiệu và những cáo buôc tham nhũng lan rộng. Có nhiều vụ bắt bớ, kết tội và hàng chục triệu USD tiền phạt. Người chịu trách nhiệm đối với bóng đá thế giới, Sepp Blatter- chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), không bị buộc tội, nhưng ông bị cấm các hành động liên quan đến bóng đá.

, Sepp Blatter- chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) vướng bê bối tham nhũng - Ảnh: EPA

Trung Quốc mong manh

Năm qua là một năm gập ghềnh đối với kinh tế Trung Quốc. Sự sụp đổ thị trường chứng khoán của nước này khiến các nhà đầu tư toàn cầu căng thẳng đến nỗi chúng nhuốm đỏ các thị trường ở những nơi khác trên thế giới. Nhiều người bị mất tiền, xa tận Na Uy cũng chứng kiến những người về hưu bị mất bớt các khoản tiền tiết kiệm.

Thị trường chứng khoán lúc sau đã hồi phục dần, nhưng những lo sợ nảy sinh từ vụ đổ vỡ này không dễ dàng biến mất, do các thị trường hàng hoá toàn cầu và nhiều nước giờ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc chậm phát triển cũng có nghĩa là có ít tiền trong túi của Trung Quốc, một tin xấu đối với các đối tác thương mại lớn, như Mỹ và châu Âu, xuất khẩu hàng hoá tới Trung Quốc.

Sắc đỏ tràn ngập thị trường do bất an từ Trung Quốc  

Thoả thuận hạt nhân Iran

Giữa những mảng tối lớn vẫn le lói ánh sáng, nổi bật là thoả thuận bước ngoặt về hạt nhân của Iran. Ngày 14-7, sau hàng loạt vòng đàm phán, Iran và sáu cường quốc thế giới đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm hạn chế các chương trình phát triển hạt nhân tham vọng của Tehran. 

Các cường quốc sau cùng đã  đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran  - Ảnh: Getty Images

Tìm thấy nước trên Sao Hoả

Những phát hiện mới từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) rằng trên Sao Hoả tồn tại dòng nước mặn chảy trên bề mặt vào mùa nóng, mở ra nhiều hy vọng tìm ra một nơi ở mới cho con người.

Đã tìm thấy nước mặn chảy trên sao Hỏa 

Bình luận (0)

Lên đầu trang