Số ca nhiễm nCoV tăng vọt, chuyên gia Đức đề xuất 'sống chung với lũ'

Chủ Nhật, 12/04/2020 17:17

|

(CAO) Theo RT ngày 12-4 đưa tin, Đức ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt, với 3.281 trường hợp chỉ trong 24 giờ. Điều này khiến giáo sư Alexandre Kekule cho rằng cần sớm chấm dứt lệnh phong tỏa vì thời gian hiệu quả của nó có thể tính bằng năm nhưng thiệt hại gây ra vô cùng lớn về kinh tế và xã hội.

Dù số người chết vì nCoV ở Đức là 2.871 người, tuy nhiên quốc gia này hiện được xem là đứng đầu châu Âu, thậm chí là thế giới về y tế. Nếu chỉ xét về lý thuyết số ca nhiễm của Đức là 125.452 trường hợp, hiện đứng thứ 6 thế giới thì đã thấy được hiệu quả của hệ thống y tế Đức khi có thể điều trị hàng trăm ngàn trường hợp nên số tử vong như vậy có thể coi là thấp.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel

Các nước khác có trường hợp nhiễm nCoV dưới 180.000, hay Pháp có số nhiễm bệnh tương tự Đức là 129.654 trường hợp, thì tất cả số tử vong đều đã vượt quá 10.000 người.

Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng các biện pháp cách biệt cộng đồng giúp làm chậm tốc độ lây lan của dịch nCoV nhưng bà Merkel vẫn cảnh báo không thể chủ quan trước dịch bệnh lần này.

Trong khi đó, giáo sư Alexandre Kekule thì cho rằng: "Chúng ta cần cân nhắc lệnh cách biệt cộng đồng kéo dài có thể gây thiệt hại nặng nề về kinh tế hơn cả dịch nCoV. Hiện giờ việc chờ đợi vắc xin giống như một trò chơi may rủi, ít nhất phải chờ 6 tháng nữa những nghiên cứu đầu tiên mới có thể được đưa vào thử nghiệm. Việc lựa chọn 'sống chung với lũ' sẽ giúp chúng ta tránh được những thiệt hại to lớn về kinh tế lẫn xã hội, có khi còn nặng nề hơn cả dịch nCoV.

Giáo sư Alexandre Kekule

Bây giờ cần nhất là các giải pháp, mọi việc cần được xem xét để có thể diễn ra như bình thường nhưng có các biện pháp kiểm soát như: bắt buộc đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người,... Có như vậy, chúng ta mới có thể 'khôi phục' lại mọi thứ nhanh chóng ngay khi dịch vừa kết thúc".

Dĩ nhiên, các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế sau dịch là rất khó khăn, nhiều chuyên gia kinh tế Đức tin rằng, chính sách "thắt lưng buộc bụng" một lần nữa sẽ được áp dụng khi dịch nCoV kết thúc.

Tuy nhiên, việc chủ quan trước dịch mà "tấm gương" là Mỹ hẳn sẽ khiến giới lãnh đạo Đức không dám mạo hiểm. Điều đó, cũng đồng nghĩa với các biện pháp cách biệt cộng đồng nhiều khả năng sẽ còn được áp dụng cho tới khi kiểm soát được dịch. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang