(CAO) Hôm 29-7, BBC đưa tin Sri Lanka đã ký một thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD để giao quyền điều hành và phát triển cảng nước sâu trọng yếu của nước này là Hambantota cho phía Trung Quốc.
Thỏa thuận trước đó đã bị hoãn vài tháng trước vì lo ngại quân đội Trung Quốc có thể sử dụng cảng này để thiết lập căn cứ.
Sau khi chính quyền Sri Lanka nhận được cam kết Trung Quốc chỉ sử dụng cảng này cho mục đích thương mại, thỏa thuận đã được thông qua.
Cảng Hambantota nằm trên con đường giao thương tàu bè trọng yếu giữa Châu Á và Châu Âu băng qua Ấn Độ Dương.
Sri Lanka cho biết khoản tiền từ thỏa thuận trao cảng này sẽ được dùng để trả những khoản vay nước ngoài. Truyền thông đưa tin công ty Trung Quốc được giao quyền quản lý cảng này đến 99 năm. Cảng Hambantota nằm gần một khu công nghiệp.
Cảng Hambantota nay được giao cho công ty Trung Quốc điều hành- Ảnh: AFP
Những năm qua, Trung Quốc đổ hàng triệu USD vào Sri Lanka để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước này. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên đường phố thủ đô Colombo vào ngày 29-7 để phản đối thỏa thuận này, được Liên đoàn Công nhân Cảng tổ chức.
Hambantota là cảng biển trọng yếu nhìn ra Ấn Độ Dương, nằm án ngữ trên con đường phát triển chính sách “Vành đai, Con đường” do Bắc Kinh khởi xướng với việc kết nối hạ tầng giao thông gồm đường sá, cảng biển từ Trung Quốc qua đến Châu Ấu, được mệnh danh là “Con đường tơ lụa mới”.
Động thái này đang khiến Ấn Độ lo ngại. Trước nay, các nước như Bhutan, Sri Lanka hay Myanmar thường được xem là “sân sau” của New Delhi nhưng những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục vung tiền đầu tư xây dựng hạ tầng ở Sri Lanka và quốc gia đối đầu với Ấn Độ là Pakistan.
Người dân xuống đường biểu tình phản đối - Ảnh: BBC
Vị trí cảng Hambantota ở Sri Lanka, nằm "sát sườn" Ấn Độ - Ảnh: BBC