Thấy gì sau cuộc đảo chính bất thành?

Thứ Hai, 18/07/2016 09:28

|

(CATP) Đêm 15-7-2016 thế giới rúng động bởi cuộc đảo chính bất ngờ và bất thành, của nhóm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ chính quyền nước này khi Tổng thống R.T.Erdogan đang đi nghỉ mát. Sự kiện này là bức tranh thu nhỏ của biến động địa - chính trị Á - Âu gần đây, nổi lên vài điểm đáng chú ý.

Phản kháng Hồi giáo trong quân đội

Thủ lĩnh cuộc đảo chính, Muharrem Kose, nguyên là đại tá quân đội Thổ, bị sa thải vài tháng trước bởi mối liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, người đứng đầu Hizmet - một phong trào Hồi giáo ở Thổ có ảnh hưởng từ những năm 70 của thế kỷ trước và từng bị kết tội “phản quốc”.

Người của Hizmet len lỏi sâu vào bộ máy chính quyền nước này, trong đó có quân đội, hình thành nên một “nhà nước” trong “nhà nước”. Tổng thống Erdogan rất lo ngại, nên từ năm 2014 đã triển khai cuộc thanh trừng mạnh mẽ. Ông Gulen sang Mỹ định cư từ đó, và sự nghiệp “tôn giáo hóa” quân đội có lẽ đã được gửi gắm lại cho đại tá Kose.

Những người ủng hộ ông Erdogan tập trung tại quảng trường Taksim, Istanbul sau cuộc đảo chính thất bại

Nếu cứ lấy tiêu chí chung: quân đội dù ở quốc gia nào cũng phải là lực lượng thuần nhất và tuân theo tổng tư lệnh, cho dù đó là tổng bí thư (như Trung Quốc), tổng thống (Mỹ) hay một vị hoàng đế nào đó (ở một số nước quân chủ) thì ở Thổ, tình hình rõ ràng là bất ổn. Với quy định được vận dụng suốt thời gian dài cho phép người Hồi giáo được ưu tiên từ nhập ngũ đến cất nhắc, quân đội nước này còn phải mất nhiều thời gian thanh lọc và cải cách mới đạt được tiêu chí an toàn như ở nhiều quốc gia khác.

Nhìn rộng ra, vụ việc này cho thấy vấn đề đáng quan ngại hơn. Tư tưởng Hồi giáo cực đoan, li khai là nguồn cơn của những hoạt động tội ác phi chính phủ, phi quốc gia thì đã rõ, nhưng nếu nó trở thành tư tưởng chi phối một quân đội, một nhà nước thì còn nguy hại gấp nhiều lần. Và cuộc đảo chính không thành tại Thổ với sự tác động của Hizmet có vẻ như là một dấu hiệu không lành mới cho đời sống chính trị thế giới, đặc biệt là tại khu vực Á - Âu hết sức phức tạp này. Có phải đây là một cơn gió báo bão”?

Văn minh chính trị

Hình ảnh người dân, theo tiếng gọi của tổng thống, xuống đường chặn ngang xích xe tăng quân đảo chính, cho thấy sự can đảm của người dân Thổ. Họ có thể bất bình với chính quyền và cá nhân ông Erdogan, nhưng điều họ coi trọng hơn là những giá trị hợp hiến. Ở các quốc gia mà nền pháp trị đã xây được nền tảng vững vàng, ai cũng tin vào sự an toàn được bảo đảm bằng luật chứ không phải những xu hướng tư tưởng nhất thời. Và vì thế họ từ chối những giá trị bè phái, cục bộ, bấp bênh.

Các vụ khủng bố ở Pháp làm chết hàng trăm người trong thời gian qua, không làm cho người dân nước này chán ghét chính quyền của họ. Thủ tướng Anh D. Cameron rời số 10 phố Downing với những tràng pháo tay cảm thông và ngưỡng mộ sau cuộc trưng cầu dân ý mà ai cũng thấy là ngớ ngẩn, nhưng lại hợp hiến. Người Thổ nói chung, và đa số binh sĩ nước này nói riêng, không chọn lựa con đường phi pháp để chống lại tổng thống của họ. Và vì thế, cuộc đảo chính yểu mệnh chỉ khuấy động được thế giới trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Cũng vì thế, nhìn từ góc độ khác, sự kiện tối 15-7 lại là một điểm sáng: người dân và binh lính Thổ không chấp nhận chỗ đứng riêng cho một giáo phái hoặc phe nhóm nào trong khối quốc gia - dân tộc gắn kết. Tuy không đồng tình với tổng thống hay bất mãn với chính quyền, song họ muốn mọi sự thay đổi phải đáng tin cậy, trở nên chắc chắn, là tuân thủ những quy tắc về dân chủ. Tổng thống Erdogan biết trong suốt thời gian cầm quyền qua, ông mắc nhiều sai lầm, nhưng ông vẫn tin vào sự đúng đắn của luật pháp và nhận được sự chia sẻ của người dân về điều đó.

Phía trước vẫn còn ngổn ngang

Lâu nay người ta thường nói nhiều đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng tại Thổ, và sự kiện 15-7 cho thấy những điều đó hoàn toàn có lý. Có một điểm nổi lên, đó là Thổ luôn cho mình là một dân tộc lớn, luôn hoài niệm thời hoàng kim của “Đế quốc Ottoman” ảnh hưởng lớn từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20 tại nhiều khu vực ở Trung Đông, châu Á và Bắc Phi.

Những sai lầm lớn nhất gần đây có lẽ là lựa chọn về đối ngoại của Tổng thống Erdogan đối với Syria và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ luôn là nước lớn tiếng đòi lật đổ Tổng thống B. al-Assad tại Syria, đồng thời tích cực thúc đẩy các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho phép phương Tây tấn công quân sự vào Syria, thậm chí còn bí mật trợ giúp cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lật đổ Assad.

Vụ Thổ bắn rơi máy bay quân sự SU-24 của Nga tháng 11-2014 đẩy Syria vào thảm họa, mà lời xin lỗi muộn mằn của ông Erdogan không thể đưa quan hệ với Nga trở lại bình thường. Một quốc gia tìm con đường phá hoại láng giềng của mình và tìm cách đối đầu với một láng giềng lớn như Nga thì không thể không đẩy đất nước vào thảm cảnh. Grudia và Ukraina là những thảm họa không thể khắc phục và Thổ đã giẫm vào lối mòn đó.

Tuy thoát hiểm, nhưng Tổng thống Erdogan còn vô khối việc phải nhanh chóng tìm cách khắc phục: thanh lọc đồng thời siết chặt khả năng kiểm soát các bộ máy quân đội, an ninh thiết yếu; làm lành với hàng xóm láng giềng, tái lập một môi trường hòa bình, hợp tác đối ngoại; vực dậy nền kinh tế kiệt quệ bởi chính sách “đứng núi này trông núi nọ” trong những năm qua. Nhưng việc đầu tiên lúc này là người đứng đầu nước Thổ cần cảm tạ những người dân, những người lính đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ một tổng thống hợp hiến và giữ gìn hình ảnh đẹp của Thổ Nhĩ Kỳ giữa cơn binh biến trong con mắt quốc tế.

Hôm chủ nhật, văn phòng của vị Tổng thống theo đường lối cứng rắn, Erdogan đưa ra con số người chết trong các vụ xung đột trên đường phố và cuộc hỗn chiến trên không giữa phiến quân và những người trung thành lên tới 265. Có 1.140 người nữa bị thương. Ít nhất 3.000 binh sĩ bị bắt, hơn 2.700 thẩm phán bị cách chức và bị cáo buộc kết nối với các lãnh đạo đảo chính, trong khi trát truy nã đã được đưa ra đối với 140 thành viên tòa án tối cao.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ tuyên bố Washington tham gia vào âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng cáo buộc này gây tổn hại đến quan hệ hai nước. Còn giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Tổng thống Erdogan cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính, cũng lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang