Đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: Lỗi lớn thuộc về Erdogan

Thứ Bảy, 16/07/2016 14:49

|

(CAO) Cuộc binh biến diễn ra từ 21h30 tối qua 15-7 (giờ VN) kéo dài đến trưa nay 16-7 khi nhóm binh sĩ nổi dậy tấn công nhiều địa điểm định trước tại Ankara và Istanbul cho thấy chính sách cầm quyền của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang gây ra nhiều bất mãn.

Dù đám đông ủng hộ ông túa ra đường phản đối cuộc đảo chính nhưng chính vị tổng thống này cũng cần xem lại chính mình.

Vài giờ sau khi cuộc đảo chính diễn ra, tờ Guardian (Anh) trong bài viết nhan đề “Làm thế nào mà Erdogan lại châm ngòi căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ” đã phân tích sự khó chịu ngày càng gia tăng trong dân chúng khi họ thất vọng về chính sách cầm quyền của một tổng thống dần dần đã “không còn được lòng dân”.

Thổ Nhĩ Kỳ những năm qua đang ngày càng trở nên xào xáo khi đất nước liên tiếp bị tấn công khủng bố. Mỗi lần như thế, chính quyền Ankara lại đổ nguyên nhân cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đảng Công nhân người Kurd (PKK) chống chính phủ gây ra. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang dấn sâu vào cuộc chiến tiêu diệt IS ở nước láng giềng Syria trong khi Ankara công khai quan điểm chống chính quyền Assad.

Hồi tháng 6, 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi một quả bom xe phát nổ tại trung tâm Istanbul. 2 tuần sau đó, một vụ đánh bom tự sát xảy ra ở sân bay quốc tế Istanbul khiến 42 người chết, 200 người bị thương. Tất cả cho thấy chính quyền Ankara không đảm bảo tốt an ninh.

Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu với truyền thông khi diễn ra cuộc đảo chính - Ảnh: Reuters

Thời kỳ đầu cầm quyền, Erdogan được lòng dân chúng, nhưng càng ngày ông càng độc đoán, đi theo quan điểm Hồi giáo hóa đất nước. Trong khi đó, truyền thống của quân đội lại kỳ vọng chính quyền bảo vệ những giá trị thế tục của đất nước. Chính sách điều hành của Erdogan đã gây chia rẽ đất nước, khiến căng thẳng sắc tộc và giáo phái gia tăng.

Sau hai năm ngừng bắn, Erdogan chủ trương tấn công các phần tử PKK càng làm tình hình thêm phức tạp.

Gonul Tol viết dự đoán kịch bản tình hình Thổ Nhĩ Kỳ trên tờ Foreign Affairs rằng “Quân đội có thể hành động nếu chiến sự giữa PKK và chính quyền nổ ra làm làn sóng bạo lực quần chúng xảy ra ở các trung tâm đô thị phía tây dẫn đến sự sụp đổ an ninh và gây ra tình trạng suy thoái kinh tế, và sẽ can thiệp nếu chính phủ ngày càng trở nên độc tài hơn”.

Hồi đầu tuần này, Erdogan đã ký dự luật trao quyền miễn tố cho binh sĩ quân đội khi tham gia các chiến dịch an ninh nội địa. Trớ trêu thay, khi việc này tưởng sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và quân đội thì cuối tuần lại xảy ra đảo chính.

Đó là chưa kể chính sách “bàn tay sắt” của Erdogan trong những năm gần đây càng khiến cho ông ngày càng trở nên độc đoán. Điển hình là việc chính quyền đàn áp rầm rộ các nhà báo và những người ủng hộ nhân quyền trong nước. Trong khi đó, Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu khác cũng bày tỏ quan ngại về sự thất bại của Ankara trong việc ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo từ nước ngoài vào Syria tham gia thánh chiến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối nội và đối ngoại chính quyền Erdogan đều lấn cấn. Theo tờ Guardian, chính ông chứ không ai khác đã châm ngòi thêm vào căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang