(CAO) Sáng nay 13-7, một ngày sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố Trung Quốc thua trong vụ kiện Biển Đông của Philippines – giới chức nước này đã tổ chức họp báo tại Bắc Kinh công bố sách trắng quốc phòng và trắng trợn tuyên bố họ có quyền thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Reuters với bài viết nhan đề Trung Quốc thề bảo vệ “chủ quyền” trên Biển Đông đã tường thuật lại buổi họp báo trơ tráo sáng nay, trong đó dẫn lời các quan chức nước này hùng hồn tuyên bố “Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ “chủ quyền” trên Biển Đông”. Cái “chủ quyền” bằng yêu sách đường lưỡi bò đã bị Tòa PCA thẳng thừng bác bỏ vào hôm qua.
Truyền thông Trung Quốc sáng nay 13-7 cũng đồng loạt nhục mạ Tòa PCA là “con rối” của những thế lực bên ngoài và đổ lỗi cho Mỹ là thế lực chính can thiệp, “khuấy đục” Biển Đông.
Trong Sách trắng quốc phòng phát hành vào sáng nay 13-7, Bắc Kinh còn trơ tráo tố ngược tàu cá của họ bị tàu Philippines “tấn công và quấy phá” ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Đỉnh điểm sự trơ tráo của buổi họp báo là việc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố họ có quyền lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Reuters dẫn lời ông Lưu Chấn Dân trơ trẽn tuyên bố: “Về việc lập ADIZ trên Biển Đông, cần phải nói cho rõ ràng là chúng tôi có quyền làm điều đó. Tuy nhiên việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ phụ thuộc vào mức độ các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang ngược tuyên bố Trung Quốc có quyền thiết lập ADIZ trên Biển Đông - Ảnh: BBC
Nếu thiết lập ADIZ, mọi tàu bè, máy bay di chuyển qua Biển Đông rơi vào vùng nhận dạng phòng không đều phải báo cáo cho chính quyền Bắc Kinh biết.
Rồi ông Dân lên giọng “khuyên bảo” các nước khác rằng chớ lấy thời cơ là phán quyết của PCA mà gây hấn với Trung Quốc mà phải cùng nước này “duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, không biến vùng biển này thành ngòi nổ của chiến tranh”.
Rồi ông Dân quay sang đả kích 5 thành viên thẩm phán của Tòa PCA, nói rằng vì họ đều không phải là người Châu Á nên không hiểu được bản chất vấn đề tranh chấp trên Biển Đông để mà phân xử. Một lập luận ngô nghê của quan chức ngoại giao của một “nước lớn” khi không phải chủng tộc hay người của châu lục nào, mà phán quyết của PCA dựa trên cơ sở quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh đặt bút ký năm 1996.