(CAO) Hôm 28-6, CNN đưa tin một đàn châu chấu sa mạc bay che khuất bầu trời ở thành phố Gurgaon khiến chính quyền thủ đô New Delhi (Ấn Độ) kế cận phải ra khuyến cáo cẩn trọng và nâng mức báo động lên cao.
Nói với CNN, Atul Kapur– người sáng lập một doanh nghiệp xã hội sống ở thành phố Gurgaon cho biết đàn châu chấu bay quét qua bầu trời thành phố vào lúc 11h30 (giờ địa phương) ngày 27-6.
Chỉ 15 phút sau, đàn châu chấu lên đến hàng ngàn con đã đậu kín trên sân thượng và các mái nhà trước khị bị gió mạnh cuốn đi. Lần cuối cùng Kapur chứng kiến cảnh tượng này là vào ít nhất 40 năm trước.
Các quan chức địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân chống lại dịch châu chấu bằng cách hun khói, phát nhạc trên các dàn loa nhằm tạo ra âm thanh lớn xua đuổi chúng.
Châu chấu sa mạc đi theo đàn bay qua Gurgaon - Ảnh: Twitter Aakash Châu chấu sa mạc là một trong những loài côn trùng gây hại mùa màng nhất với tốc độ di chuyển nhanh, số lượng lớn, sức tiêu thụ thức ăn nhiều. Trong bối cảnh các nước đang oằn mình chống dịch Covid-19 với các biện pháp phong toả, cách ly khiến kinh tế khó khăn, người dân có nguy cơ đói ăn, thì dịch châu chấu là 1 thảm hoạ có thể khiến người dân thiếu lương thực trầm trọng.
Một con châu chấu trưởng thành có thể bay đến 150km/ngày và ăn đến 2 gam hoa màu.
Khu vực Đông Phi là nơi xuất phát của loại châu chấu này. Những năm qua biến đổi khí hậu khiến mưa rơi nhiều trên các khu vực trước nay vốn là sa mạc, khiến những nơi này ẩm ướt hơn tạo thành môi trường thuận lợi cho châu chấu sinh sôi.
Chúng sau đó theo luồng gió di cư về phía tây tàn phá hoa màu.
Châu chấu sa mạc là một trong những loài côn trùng gây hại mùa màng nhất - Ảnh: CNN