Không đạt được tuyên bố chung Hà Nội là diễn tiến gây thất vọng cho cả 2 bên.
CNN đưa tin mở đầu họp báo, ông Trump lại nói về tình hình căng thẳng đang gia tăng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan trong thời gian qua.
Tổng thống Trump tại buổi họp báo ở khách sạn Marriott - Ảnh: CNN
Sau đó ông cho biết bản thân thật sự đã có "một quãng thời gian thảo luận tích cực" trong hội đàm với ông Kim nhưng ngày hôm nay (28-2) không phải là thời điểm để "ký kết bất kỳ điều gì".
"Chúng tôi đã có một số lựa chọn nhưng thời điểm này chúng tôi đã quyết định sẽ không thực hiện bất kỳ lựa chọn nào". Ông nói thêm: "Đôi khi bạn phải đi bộ. Đây chỉ là một trong những thời điểm đó".
Bất đồng về các lệnh trừng phạt
Ông chủ Nhà Trắng tiết lộ về nguyên nhân đổ vỡ của hội nghị hôm nay: "Về cơ bản, họ muốn các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ hoàn toàn, và chúng tôi nói rằng chúng tôi không thể làm điều đó. Chúng tôi chưa dỡ bỏ bất cứ điều gì".
Trump nói thêm ông muốn có các cuộc đàm phán khác trong tương lai với Triều Tiên. Ông ca ngợi: "Họ có tiềm năng to lớn, không thể tin được!".
Nói về ông Kim, Trump cho biết: "Ông ấy muốn phi hạt nhân hoá, nhưng ông ấy chỉ muốn thực hiện những bước đi ở các lĩnh vực ít quan trọng hơn những gì chúng tôi mong muốn". Sự đổ vỡ của hội nghị lần này chủ yếu là về "các biện pháp trừng phạt".
Tuy nhiên ông Kim hứa trong tương lai sẽ không thử hạt nhân, tên lửa.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại họp báo ở Hà Nội - Ảnh: CNN Tiếp lời Trump, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông Kim đã "không chuẩn bị" để đáp ứng những yêu cầu của Mỹ. "Chúng tôi đã hy vọng ông ấy sẽ hành động nhiều hơn nữa. Nhưng ông ấy đã không chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu. Tuy thế tôi vẫn lạc quan".
Theo Pompeo, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ mất thời gian. "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong những ngày tới, tuần tới để đạt được những tiến bộ mà thế giới mong muốn là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên để giảm thiểu rủi ro cho người dân Mỹ cũng như người dân trên thế giới".
Hai ông Trump và Pompeo tại họp báo - Ảnh: CNN
Trump muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên trong tương lai
CNN đưa tin, sau khi thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được do bất đồng từ các lệnh trừng phạt, Trump nói rằng ông muốn thấy những hạn chế kinh tế từ các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ đối với Triều Tiên trong tương lai.
"Tôi muốn gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quá tệ hại, bởi vì đất nước đó (Triều Tiên) có rất nhiều tiềm năng để phát triển", Trump nói. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh tiềm năng kinh tế của Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội và trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hiện Bình Nhưỡng đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trump nổi giận với Cohen
Cũng tại buổi họp báo, ông chủ Nhà Trắng nổi giận với cựu luật sư của mình Michael Cohen khi ông này cáo buộc Trump có hành động phạm pháp, biết trước về vụ WikiLeaks sẽ tung những email bị đánh cắp nhằm gây tổn hại cho đối thủ tranh cử năm 2016 của ông, bà Hillary Clinton.
Ông Cohen còn cáo buộc Trump đã chấp thuận các khoản tiền bịt miệng nhằm che đậy các mối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, một hành vi vi phạm luật tài chính vận động tranh cử, và đã kí chi phiếu 35.000 USD vào năm 2017 để hoàn trả ông Cohen liên quan đến một trong những khoản tiền đó để bịt miệng các mối quan hệ ngoài luồng.
Trong thời gian diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều, truyền thông Mỹ cũng tường thuật trực tiếp phiên điều trần của Cohen trước Quốc hội trong đó tố Trump là kẻ phân biệt chủng tộc, giả dối.
Đáp lại từ họp báo Hà Nội, Trump nói những cáo buộc đó là "đáng xấu hổ" và Cohen đã "nói dối rất nhiều".
Cựu luật sư của Trump - Micheal Cohen - Ảnh: Fox News
Trump tố những người thuộc đảng Dân chủ đã dựng nên phiên điều trần của Cohen đã phá thượng đỉnh Mỹ - Triều. CNN dẫn lời ông từ Hà Nội nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng có một phiên điều trần giả tạo như thế trong thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng này thực sự là một điều khủng khiếp. Thật không thể tin được!".
Có nhiều đồn đoán về việc Cohen chính là nhân tố khiến tâm trạng ông Trump xấu đi trong ngày thứ 2 của thượng đỉnh.
Trump tại họp báo - Ảnh: CNN
Tôi sẽ gọi cho tổng thống Hàn Quốc sớm nhất có thể
Dù kết quả thượng đỉnh không mấy tích cực, Trump cho biết sẽ gọi điện nói chuyện với tổng thống Hàn Quốc sớm nhất có thể, ngay khi trên máy bay về nước. Trump thừa nhận: "Ông ấy (tổng thống Hàn) đã làm việc rất vất vả và ông ấy muốn thấy một thoả thuận đạt được'.
Trump cho biết cũng sẽ gọi điện thông báo cho thủ tướng Nhật Shinzo Abe về kết quả hội nghị.
Trump cũng cho biết quan hệ với ông Kim vẫn rất ấm áp, thân thiện dù cho kết quả hội nghị không khả quan. Cả hai rời đi trong bầu không khí thân thiện.
Đề cập đến cái chết của sinh viên Otto Warmbier
Tổng thống Mỹ cũng cho biết đã thảo luận với ông Kim về cái chết của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier, bị Bình Nhưỡng bắt giữ trong suốt 17 tháng với tội danh "chống nhà nước" vì lấy cắp một biểu ngữ tuyên truyền treo trong khách sạn lưu trú.
Triều Tiên trả sinh viên này về Mỹ năm 2017, vài ngày sau Otto mất. Trump cho biết đã nói với Kim rằng: "Tôi không tin ông lại cho phép điều này xảy ra".
Sinh viên Otto - Ảnh: Twitter
Trump nói trong khi ông Kim biết rất rõ về "vụ án", ông ấy lại trễ trong việc biết về tình trạng giam giữ tồi tệ với Otto. "Đã có những điều tồi tệ đã xảy ra với Otto" - Trump nhấn mạnh với ông Kim.
Trump không cam kết sẽ có thượng đỉnh lần 3 với Triều Tiên
Tổng thống Trump tại họp báo cũng cho biết ông không cam kết sẽ có hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa ông và Kim Jong Un.
Tuy nhiên Trump nhắc lại lời hứa của ông Kim trong buổi ăn tối 27-2 tại Hà Nội rằng Bình Nhưỡng sẽ không thử hạt nhân và tên lửa nữa. "Tôi tin tưởng ông ấy. Tôi hy vọng rằng điều đó sẽ đúng".
Chưa siết trừng phạt Triều Tiên
Trước kết quả không khả quan về thượng đỉnh, tại họp báo Trump cho biết chưa đề cập đến việc có gia tăng lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng hay không vì hiện nay các lệnh trừng phạt cũng đã đủ cứng rắn. Trump cho biết sẽ nói chuyện với chủ tịch Tập Cận Bình. "Ông ấy (ông Tập) cũng sẽ không vui gì khi sống cạnh một nước sở hữu hạt nhân" - Trump nói.
Đả kích Obama
Trump sau đó tiếp tục giọng điệu chỉ trích người tiền nhiệm Obama. Ông phát biểu: "Tôi không định buộc tội Obama nhưng rõ ràng ông ấy không làm gì được Triều Tiên và đã cho phép những điều không đúng xảy ra. Tôi không chỉ buộc tội Obama mà cả những tổng thống tiền nhiệm".
Đây không phải là lần đầu trong kỳ thượng đỉnh ông Trump "đá xéo" chính quyền Obama. Trong dòng tweet từ Hà Nội trước đó, Trump chỉ trích: "‘Những người Dân chủ đừng chỉ tôi phải làm gì với Triều Tiên. Sao họ không làm điều này (đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên) trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của Obama?”.
Sau cùng ông cho biết Mỹ sẽ thanh sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên dễ dàng. Trump tiết lộ: "Chúng tôi biết thông tin về một số cơ sở hạt nhân. Chúng tôi còn biết những cơ sở người khác không biết. Chúng tôi sẽ kiểm tra được”.
Họp báo kết thúc, tổng thống Trump ra sân bay lên chuyên cơ về nước.