Tranh luận Trump – Clinton: Bà Clinton thắng thế

Thứ Ba, 27/09/2016 12:45  | Anh Duy

|

(CAO) Cuộc tranh luận mặt đối mặt (face to face) đầu tiên giữa hai ứng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ: ông Donald Trump và bà Hillary Clinton kéo dài khoảng 90 phút từ 8h đến 9h30 sáng nay 27-9 (giờ VN) vừa kết thúc ở Đại học Hofstra (New York) với phần thắng nghiêng về bà Clinton cho những lập luận vững chắc của mình.

Chương trình tranh luận thu hút hàng trăm triệu người xem trên toàn cầu vì qua những vòng đối chất thế này, dư luận hiểu thêm về chính sách tranh cử của hai ứng viên có khả năng trở thành tổng thống Mỹ trong năm tới.

Cuộc tranh luận lần này trở nên gay gắt hơn khi cả hai đang so kè sát sao về tỉ lệ người ủng hộ trong những cuộc thăm dò. Các vấn đề tranh luận từ kinh tế, an ninh đến xã hội bà Clinton có lợi thế hơn hẳn với nhiều năm đóng vai trò là Đệ nhất phu nhân rồi trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Còn ông Trump là một “tay ngang” từ tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản ra tranh cử.

Nội dung cuộc tranh luận xoay quanh 3 chủ đề chính: “Điều hành nước Mỹ”, “An ninh nước Mỹ” và “ Làm sao đạt được sự thịnh vượng”. Người điều khiển cuộc tranh luận, đặt câu hỏi cho các ứng viên trả lời là nhà báo Lester Holt của đài NBC. 

Ông Trump (trái) và bà Clinton bắt tay nhau trước  khi buổi tranh luận bắt đầu - Ảnh: Reuters

Kinh tế mở màn tranh luận

Chủ đề đầu tiên trong cuộc tranh luận giữa Trump và Clinton là kinh tế. Khi nhận được câu hỏi: “Vì sao bà cho rằng mình là lựa chọn tốt hơn đối thủ trong việc giúp tạo ra những công việc giúp người lao động Mỹ có thêm thu nhập?”, bà Clinton bắt đầu trình bày các chính sách của mình nếu trở thành tổng thống từ chế độ nghỉ phép có trả lương, đảm bảo bình đẳng giới qua việc trả lương công bằng cho phụ nữ…

Trong khi đó ông Trump phản pháo lại rằng không thể có một nền kinh tế công bằng nếu công việc cứ tiếp tục bị “đánh cắp”. Trump nhấn mạnh: “chúng ta phải ngăn chặn những quốc gia đang đánh cắp công việc của người Mỹ như Trung Quốc và Mexico”.

Sau đó cả hai chuyển qua bảo vệ và đả kích các hiệp định thương mại như Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hai hiệp định cho mở rộng giao dịch kinh tế giữa các nước, chuyển giao công nghệ, nhân lực và giảm thuế các mặt hàng trong hoạt động ngoại thương giữa các nước.

Tuy nhiên ông Trump đã phản đối 2 hiệp định này khi nhấn mạnh: “NAFTA là hiệp định tồi tệ nhất trong lịch sử còn TPP cũng không khá hơn là mấy”. Ông chỉ trích: “Bà từng gọi TPP là tiêu chuẩn vàng?”, bà Clinton đáp lại: “Tôi biết ông đang sống trong hiện thực của chính mình”. Rồi bà Clinton giải thích vì ý tưởng TPP và những lợi ích mà nó mang lại so với tư duy “thiển cận” của Trump.

Cả hai sau đó chuyển qua vấn đề khai thuế. Bà Clinton vịn vào “gốc gác” tỷ phú bất động sản của ông Trump để tố cáo ông muốn “làm lợi cho người giàu”. Bà Clinton đã cáo buộc những thành phần như Trump là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008. Trump đã phải đáp lại: “Đó gọi là kinh doanh”.

Ông Trump (trái) và bà Clinton (phải) đối đầu trong cuộc tranh luận tại Đại học Hofstra - Ảnh: Reuters

Bà Clinton một lần nữa lại nhấn mạnh quan điểm Trump chỉ đem lại lợi ích cho tầng lớp giàu có còn bà mới là người đem lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu. Đáp lại, tỷ phú New York cam kết nếu đắc cử ông sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời chỉ trích việc tăng thuế với những người giàu sẽ làm “mất một lượng lớn đầu tư”.

Trong tranh luận, Trump liên tục đưa ra khẳng định “bảo vệ” mình khi cho rằng: “Đã đến lúc đất nước này cần một lãnh đạo hiểu về tiền bạc”. Trong khi đó, bà Clinton liên tục “quay” đối thủ bằng những câu trêu tức: “Có lẽ ông không giàu như đã nói mà cũng không đạo đức như từng chia sẻ”, “ông chỉ lo sống trong thế giới của riêng mình”.

Đốp chát về bê bối email cá nhân và khai thuế

Màn tranh luận tiếp tục nóng lên khi bà Clinton tiếp trục bị truy về việc dùng email cá nhân để trao đổi công việc trong thời gian còn làm Ngoại trưởng. Bà Clinton thừa nhận: “Đó là một sai lầm và tôi xin chịu trách nhiệm về việc này”. Trump đáp lại: “Đó không phải sai lầm mà là điều đáng hổ thẹn”.

Trump nhấn mạnh: “Khi nào bà ta công khai nội dung email cá nhân đã xóa, tôi sẽ công khai giấy tờ khai thuế của mình”.

Ông Trump tại buổi tranh luận - Ảnh: Reuters

Vấn đề an ninh, bạo lực sắc tộc và an ninh mạng

Hai ứng viên bắt đầu bước vào phần tranh luận chính về những vấn đề nổi cộm. Vấn đề người da màu được người điều khiển chương trình “lật lại”. Nói về những vụ cảnh sát bắn chết người da màu trong thời gian gần đây, bà Clinton nhấn mạnh: “Chúng ta phải khôi phục lại lòng tin giữa người dân và cảnh sát. Chúng ta phải hành động để đảm bảo cảnh sát được đào tạo và trang bị tốt nhất […] Mọi người đều phải tôn trọng pháp luật và được pháp luật tôn trọng”.

Đáp lại, Trump nhấn mạnh: “Bà đã không nhắc đến một điểm quan trọng là luật pháp và trật tự. Chúng ta phải thiết lập lại chúng”. Rồi ông trình bày quan điểm của mình, nhưng giới chuyên gia nhận định những quan điểm này không có gì là mới.

Nói về những vụ cảnh sát bắn người da màu, bà Clinton đề cập đến vấn đề “thâm căn cố đế” là nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống của ngành tư pháp Mỹ.Để giảm thiểu vấn đề này, theo bà ngoài việc “khôi phục lại lòng tin” giữa các bên thì cần phải thực hiện tốt chính sách kiểm soát súng qua việc tăng cường kiểm tra lý lịch người sở hữu súng để đảm bảo thứ vũ khí nóng này lọt vào tay những kẻ điên cuồng.

Bà Clinton nhấn mạnh: “Súng tràn ngập mọi nơi. Tại nhiều nơi cảnh sát bị đe dọa và bắn chết. Điều cần làm lúc này là phải tước súng từ tay kẻ xấu. Điều này phải được thực hiện từ sự hợp tác của hai đảng”.

Cả hai sau đó chuyển sang vấn đề an ninh mạng và phân biệt chủng tộc. Bà Clinton chỉ trích Trump nhiều lần ca ngợi tổng thống Nga Putin là một lãnh đạo “cứng rắn”, “quyết đoán” trong bối cảnh xảy ra cáo buộc tin tặc Nga tấn công làm lộ email của các thành viên đảng Dân Chủ trong chiến dịch tranh cử thời gian qua. Bà cũng không quên nhắc lại việc Trump kêu gọi tin tặc Nga tiếp tục hành động.

Đáp lại Trump trả lời chung chung rằng chính quyền nên kiểm soát tốt hơn không gian mạng và thừa nhận Mỹ đang gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với chiến tranh mạng.

Bà Clinton tại buổi tranh luận sáng nay - Ảnh: Reuters

Trump cũng bị truy về những phát biểu mang tính “phân biệt chủng tộc” trong suốt quá trình tranh cử với việc nghi ngờ gốc gác của tổng thống Obama không phải là người Mỹ, đòi truy giấy khai sinh của ông chủ Nhà Trắng. Bà Clitnton không bỏ lỡ cơ hội này để công kích: “Ông ta bắt đầu chiến dịch tranh cử dựa trên những lời nói dối mang tính phân biệt chủng tộc chỉ vì một vài trong số những người ủng hộ ông ta tin hoặc muốn tin vào nó”.

Chống IS

Tiếp theo là vấn đề cộm cán: Chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trump phát pháo bằng việc tỏ ra nghi ngờ liệu bà Clinton đã có kế hoạch chống IS hữu hiệu hay không?

Trump đổ lỗi chính các chính quyền tiền nhiệm mà cụ thể là Obama đã tạo ra “khoảng không” cho IS phát triển. Ông nhấn mạnh: “"IS đã không hình thành nếu chúng ta không rút hết quân ra khỏi đó" Bà Clinton phản pháo “Chính George W. Bush đã ký lệnh rút quân khỏi Iraq chứ không phải Obama". Rồi bà nhấn mạnh giờ không phải lúc ngồi tranh cãi ai đã tạo ra IS mà là giải pháp để tiêu diệt chúng. Bà nhấn mạnh 4 điểm: 1/ cần tập trung tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, 2/ Ngăn chặn IS phát tán tư tưởng cực đoan để lôi kéo các chiến binh trên mạng Internet, 3/ Ngăn chặn hữu hiệu các vụ tấn công lên kế hoạch của IS, 4/ Bảo vệ công dân Mỹ khỏi những vụ tấn công.

Bà Clinton qua đó cũng lập luận: Mỹ lúc này đang cần sự hợp tác quốc tế hơn lúc nào hết, nhưng Trump “lại đang liên tục lăng mạ những đồng mình Hồi giáo của Mỹ trong khi đây lại là lúc chúng ta nên đoàn kết lại, ra sức tập hợp tin tức tình báo từ các đồng minh của minh”.

Nhà báo Lester Holt của đài NBC -  người điều khiển chương trình tranh luận  - Ảnh: Getty Images

Đáp lại, Trump chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm đã để cho lợi ích dầu mỏ làm mờ mắt tại Iraq dẫn đến việc hình thành IS. Ông cũng chỉ trích bà Clinton ở khủng hoảng tại Lybia khi cáo buộc: “Lybia chính là một trong những thảm hoạ mà bà Clinton đã gây ra"

Vấn đề hạt nhân

Việc hai ứng viên tổng thống đối phó thế nào trước nguy cơ an ninh, Mỹ có sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu hay không cũng được nhà báo Lester Holt của đài NBC khơi gợi.

Trump nhận định: “Theo tôi, vũ khí hạt nhân là mối nguy lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt”. Rồi ông lên án thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với Iran là không toàn vẹn vì thiếu các điều kiện kinh tế với Triều Tiên – đối tác kinh tế lớn với Iran.

Trump đặt lên bàn cân các “đối thủ” hạt nhân và cho rằng với Nga ông sẽ không sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu trong khi nhận định Iran là mối nguy hơn cả.

Trong khi đó bà Clinton đưa ra cam kết với các đồng minh truyền thống: "Tôi muốn tái khẳng định với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như những nước khác rằng chúng ta có những hiệp ước quốc phòng chung và chúng ta sẽ tôn trọng chúng. Đại diện cho chính tôi và cũng là số đông người dân Mỹ, tôi muốn nói rằng cam kết của Mỹ luôn được duy trì".

Người dân Mỹ trên toàn quốc ngồi trước màn hình theo dõi màn tranh luận mặt đối mặt đầu tiên trong mùa bầu cử tổng thống - Ảnh: New York Times

Rồi bà châm chích: “Người thường gây ra bão dư luận bằng những câu viết trên Twitter thì không nên được phép đặt ngón tay lên nút bấm bom nguyên tử”. Vị cựu ngoại trưởng cũng không quên đả kích rằng Trump thực sự không có một kịch bản nào cho việc đối đầu hạt nhân: “Trump cần nói rõ kế hoạch của ông ấy. Ông ta cứ nói đó là bí mật nhưng bí mật duy nhất là ông ấy chả có kế hoạch nào cả".

“Đá xoáy” về sức khỏe

Cuối buổi tranh luận, cả hai ứng viên đốp chát nhau về vấn đề sức khỏe. Trump nhấn mạnh bà Clinton sẽ “không chịu đựng nổi” áp lực của công việc tổng thống. Đáp lại, Clinton lấy những chuyến công du thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ ra phản pháo: “ Ai đã công du ở 112 nước và đàm phán về các vấn đề hòa bình, đình chiến hay đủ sức đứng liên tục suốt 11 tiếng để điều trần của quốc hội?. Làm được điều ấy thì ông mới đủ tư cách nói về khả năng chịu đựng với tôi".

Cuộc tranh luận kết thúc. Với kết quả này cho thấy bà Clinton nhiều khả năng “dẫn điểm” khi tranh luận sắc sảo trước Trump.

Bình luận (0)

Lên đầu trang