(CATP) Trong bước đi gây bất ngờ, hôm 31-10 chính quyền Obama tuyên bố sẽ triển khai một nhóm lính đặc nhiệm đến miền bắc Syria trong tháng 11 để “huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ” các lực lượng đối lập chống IS.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết số lính đặc nhiệm triển khai trong đợt này “ít hơn 50 người”. Để trấn an dư luận, ông Earnest nói thêm: “Syria là một nơi nguy hiểm trên thế giới, không thể phủ nhận rằng lính đặc nhiệm có nguy cơ mất mạng khi được triển khai ở đây”.
Nhà Trắng phải thừa nhận “chặn trước” như vậy để dư luận Mỹ tự suy ra ẩn ý: vì Syria nguy hiểm nên tổng thống chỉ triển khai quân với số lượng ít. Rồi ông Earnest nhấn mạnh: “Chiến lược tại Syria của chúng tôi là không đổi. Những lực lượng này không có nhiệm vụ chiến đấu”.
Tuy nhiên, dù “nói giảm” cho hành động này, việc gửi lính đến Syria đã phạm vào cam kết trước đó của Obama khi chính ông hứa không triển khai lính bộ binh đến chiến trường này.
Hôm 30-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết ông không loại trừ khả năng gửi thêm lính đặc nhiệm đến Syria”. Reuters nhận định: “ quyết định gửi đặc nhiệm đến Syria đặt quân đội Mỹ vào con đường nguy hiểm”.
Dân Mỹ đang lo sợ một kịch bản sa lầy vào cuộc chiến ở Syria như những gì từng xảy ra ở Afghanistan hay Iraq.
Mỹ chuẩn bị triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Syria - Ảnh: AFP
Có nhiều nguyên nhân để Mỹ đi đến nước cờ này. Đầu tiên là việc Mỹ thất bại trong chương trình đào tạo và trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria. Washington tiêu tốn 500 triệu USD để huấn luyện quân nổi dậy ở các trại huấn luyện tại Jordan, Qatar, Ả Rập Saudi…nhưng khi lực lượng này về Syria lại không đủ năng lực chiến đấu trên bộ chống IS.
Thứ hai là trước những biến chuyển tình hình tại Syria, nơi Nga và Iran đều cử cố vấn quân sự và lính sang chiến đấu chống IS, ủng hộ chính quyền Assad (theo các nguồn tin của tình báo phương Tây), thì việc Mỹ không đưa bộ binh (dù dưới danh nghĩa là cố vấn) đến đây sẽ khiến Washington thất thế trước Assad và các đồng minh của ông này.
Thứ ba, Washington đã chứng kiến hoạt động hiệu quả của các toán đặc nhiệm. Gần đây nhất là việc đặc nhiệm Mỹ (lực lượng Delta) phối hợp với lực lượng người Kurd đột kích, giải cứu thành công 70 con tin từ tay IS trong một nhà tù ở miền bắc Iraq hôm 22-10.
Chính quyền Obama vì thế đã chuyển đổi quan điểm phải đưa đặc nhiệm trực tiếp đến Syria thay vì chỉ không kích IS với kết quả đạt được không đáng kể.
AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kịch liệt phản đối việc Mỹ đưa bộ binh đến Syria. Ông Lavrov cho rằng Syria là một quốc gia có chủ quyền nhưng Washington lại đơn phương triển khai đặc nhiệm đến mà không hề báo trước cho lãnh đạo Syria.
Trong khi đó tại Vienna (Áo), cuộc đàm phán giữa đại diện các bên ủng hộ những lập trường chính trị khác nhau tại Syria vẫn chưa có hồi kết do bất đồng về số phận của Assad.
Nga, Iran muốn Assad tại vị ít nhất đến khi nước này tìm được giải pháp chính trị dung hòa được giữa các bên. Trong khi Mỹ và phe đối lập muốn Assad phải ra đi để mở đường cho một lộ trình chuyển tiếp.
Khi vẫn còn bất đồng như vậy thì giải pháp đưa đặc nhiệm đến Syria của Mỹ cần được hiểu là “vừa đánh vừa đàm”, không thể chịu lép vế.