Triều Tiên đánh sập các tuyến đường bộ, đường sắt liên Triều

Thứ Ba, 15/10/2024 16:15  | Anh Duy

|

(CAO) Chính quyền CHDCND Triều Tiên đã cho cài thuốc nổ đánh sập một số đoạn đường bộ và đường sắt liên Triều ở phía bên Triều Tiên vào ngày 15/10 khiến quân đội Hàn Quốc phải nổ súng cảnh cáo.

Căng thẳng đã gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, với việc Bình Nhưỡng tuyên bố tuần trước rằng họ sẽ cắt đứt hoàn toàn đường bộ và đường sắt liên Triều và củng cố thêm các khu vực biên giới như một phần trong nỗ lực thúc đẩy hệ thống "hai nhà nước" nhằm hủy bỏ mục tiêu thống nhất lâu dài của mình.

Vào khoảng giữa trưa 15/10, một số đoạn đường bộ và đường sắt ở phía bắc kết nối với Hàn Quốc đã bị phá hủy theo thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề xuyên biên giới, đã lên án vụ việc này là hành động vi phạm các thỏa thuận liên Triều trước đây và gọi đó là hành động "cực kỳ bất thường".

Để đáp trả, quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo về phía nam ranh giới phân định quân sự, mặc dù không có thiệt hại nào ở phía biên giới của Seoul, theo thông báo.

Một đoạn video do quân đội Hàn Quốc công bố cho thấy một vụ nổ và một cột khói bốc lên trên một khu vực đường nơi Triều Tiên đã dựng một rào chắn màu đen. Ở phía Hàn Quốc, một biển báo đường có dòng chữ "Tạm biệt" và chỉ rõ rằng thành phố Kaesong của Triều Tiên cách đó 10 mét.

Biển báo cũng cho thấy một số xe ben và xe ủi đất đang tiến đến gần cùng với một nhóm quan chức quân đội Triều Tiên đang quan sát và hướng dẫn các phương tiện.

Khói bốc lên sau khi Triều Tiên đánh sập một số tuyến đường liên Triều - Ảnh: Reuters

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết Triều Tiên đã lắp đặt mìn và rào chắn dọc theo biên giới và cảnh báo vào ngày 15/10 rằng họ đang chuẩn bị cho một vụ nổ.

Hàn Quốc đã tăng cường giám sát và sẵn sàng sau vụ việc, theo thông báo.

Bình Nhưỡng đã thực hiện các bước để cắt đứt quan hệ liên Triều, định nghĩa lại Hàn Quốc là một quốc gia thù địch, riêng biệt, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố việc thống nhất không còn khả thi nữa.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc chiến 1950-1953 của họ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Các tuyến đường bộ và đường sắt xuyên biên giới là tàn tích của sự hòa giải bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh năm 2018. Dữ liệu của Bộ Thống nhất cho thấy Seoul đã chuyển hơn 132 triệu đô la để xây dựng lại các tuyến đường này dưới hình thức các khoản vay giá rẻ cho Bình Nhưỡng.

"Đó là một dự án hợp tác liên Triều lớn được thực hiện theo yêu cầu của Triều Tiên" - người phát ngôn của Bộ này cho biết, đồng thời nói thêm rằng Bình Nhưỡng vẫn có nghĩa vụ phải trả các khoản vay.

Năm 2020, Triều Tiên đã cho nổ tung một văn phòng liên lạc chung được thành lập tại một thị trấn biên giới sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ sụp đổ.

Vụ đánh sập đường nhìn từ phía Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Hàn Quốc đã đệ đơn kiện Triều Tiên vào năm 2023, yêu cầu bồi thường thiệt hại khoảng 45 tỷ won (33 triệu đô la) từ việc phá hủy văn phòng chung.

Căng thẳng gia tăng sau khi Triều Tiên tuần trước cáo buộc Seoul điều máy bay không người lái bay qua Bình Nhưỡng. Triều Tiên cho biết máy bay không người lái đã rải "một lượng lớn" tờ rơi chống Triều Tiên. Bình Nhưỡng sau đó đã cảnh báo Seoul về một "thảm họa khủng khiếp".

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin rằng ông Kim đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 14/10 với các quan chức quốc phòng và an ninh để thảo luận về các phản ứng đối với vụ xâm nhập bằng máy bay không người lái.

Bình luận (0)

Lên đầu trang