(CAO) Bài xã luận đăng trên ấn bản báo in hôm qua 21-10 của Tân Hoa Xã với nhan đề “Kế hoạch tuần tra khiêu khích của Mỹ ở biển Đông dẫn đến nguy cơ bất ổn trong khu vực” lần nữa cho thấy thái độ trơ tráo của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Bài xã luận này dẫn nhập bằng cảnh báo: “Mỹ có thể tự bắn vào chân mình nếu tuần tra ở vùng biển gần các đảo “của” Trung Quốc trên Biển Đông. Hành động này có thể gây ra những tính toán sai lầm, gây mất ổn định tình hình trong khu vực”.
“Các đảo” mà Bắc Kinh nói đến ở đây là các bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã bồi đắp, tôn tạo trái phép thành những khu đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Trơ tráo nhận “vơ” các đảo này là của mình, bài xã luận của Tân Hoa Xã còn “vẽ” lên bức tranh, trong đó chính Bắc Kinh là “nạn nhân” : “Trên thực tế, Trung Quốc không bao giờ làm bất cứ điều gì xâm phạm đến tự do hàng hải trong khu vực. Ngược lại Trung Quốc có quyền lợi trong việc bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ các tuyến hàng hóa thương mại thông thương bằng đường biển qua khu vực”.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình Trung Quốc xây trái phép trên đá Xu Bi- quần đảo Trường Sa (Việt Nam) - Ảnh: Digital Globe
Từ trần tình cho hành động xây các công trình trên các bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép ở Biển Đông là nhằm “cải thiện đời sống cho quân nhân đóng trên các bãi đá này (dù việc đóng quân ở đây là trái phép), và cung cấp dịch vụ cho tàu nước ngoài đi qua trong khu vực”, giọng điệu bài xã luận này càng về sau càng mang tính dọa dẫm, cảnh báo.
Bài xã luận nhấn mạnh: “ nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch tuần tra ở Biển Đông, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Nếu Mỹ tuần tra trên Biển Đông, không nghi ngờ gì nữa khi Washington phải chịu trách nhiệm cho sự leo thang căng thẳng trong khu vực, làm phức tạp thêm cho các nỗ lực tìm kiếm giải pháp bằng đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp”.
Bài xã luận còn cho rằng Mỹ đừng ỷ thế có sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới rồi đi “bắt nạt”, bắt nước khác làm theo ý mình. Kết thúc bài kể lể trên Tân Hoa Xã là khẳng định “Trung Quốc sẽ đáp trả thích hợp và dứt khoát trước những hành vi khiêu khích vì quyền và lợi ích chiến lược”.
Trung Quốc tự lên án chính mình
Những gì thể hiện trong bài xã luận của Tân Hoa Xã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi bất bình, khi những lập luận Bắc Kinh đưa ra đều như để họ lên án chính mình.
“Chịu không nổi”, tờ International Business Times ngay trong hôm qua đã chỉ ra: “Căng thẳng tăng lên từ năm ngoái khi Trung Quốc bắt đầu cải tạo đất trên các bãi đá nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và xây 3 đường băng sân bay ở khu vực này”.
Tờ này còn dẫn lại phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình với Reuters rằng “Trung Quốc có chủ quyền trên các bãi đá ở Trường Sa từ xa xưa”.
Chưa biết “xa xưa” là từ thời nào nhưng mộc bản triều Nguyễn hay bản đồ cổ của các cơ quan địa chính nước ngoài đều chỉ vẽ đảo Hải Nam là đảo cực nam của Trung Quốc.
Hơn một năm nay, Trung Quốc “tích cực” bồi đắp một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) thành đảo nhân tạo bên cạnh việc xây dựng trên đó các công trình phi pháp từ hải đăng, đường băng đến bến cảng cho tàu neo đậu.
Hôm 10-10 Reuters đưa tin Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng trái phép hai ngọn hải đăng trên hai bãi đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Các hành động cải tạo đất, xây đảo của Trung Quốc đang vấp phải phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế. Bài xã luận trên Tân Hoa Xã được các chuyên gia quốc tế nhận định là giới chức Trung Quốc đang "bực tức" khi Mỹ thách thức đòi hỏi chủ quyền phi pháp của họ bằng kế hoạch tuần tra trên Biển Đông.
Chính Trung Quốc mới là bên gây "mất ổn định trong khu vực" bằng hành động cưỡng chiếm, xây đảo của mình trên Biển Đông.