Chúng mở ra một “mặt trận” mới, theo Reuters, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận ngoại giao và tuyên truyền. Qua đó cũng đồng thời có thể là công cụ để chuyển tải dấu hiệu về những gì có khả năng sắp diễn ra đến từ Bắc Kinh.
Tuần trước, đại sứ Thôi đã đăng những dòng tweet đầu tiên trên tài khoản Twitter mới mở của ông. Một trong số đó là về vấn đề Đài Loan, hòn đảo được Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ.
Dòng tweet viết: “Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Không một nỗ lực nào hòng chia tách nó với Trung Quốc từng thành công. Những ai đùa với lửa chỉ khiến cho mình bị bỏng”. Dòng tweet được đăng tải sau khi Trung Quốc doạ sẽ áp lệnh trừng phạt lên các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Và hơn 1 tuần gần đây, một loạt các dòng tweet bảo vệ cho chính sách của Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương, được nhà ngoại giao Trung Quốc - Zhao Lijian, nhân vật số 2 tại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan đăng, đã đáp trả các cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền của Mỹ và gọi Mỹ là “đạo đức giả”.
Vẫn qua những dòng status được giới hạn trong 240 ký tự của Twitter, công cụ mà tổng thống Mỹ Donald Trunp thường dùng như một kênh truyền thông phổ biến để ông đăng các chỉ trích nhắm vào Trung Quốc, nay đến lược Bắc Kinh sử dụng để triển khai lối ngoại giao phản pháo trên bình diễn toàn cầu.
Reuters dẫn lời Yuan Zeng– một giảng viên tại khoa Truyền thông, Đại học Leeds nhận định: “Các dòng tweet đăng tải bởi các nhà ngoại giao Trung Quốc là một phần của sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược của nước này”.
“Xét về phương diện cá nhân của các quan chức, để có được những dòng tweet nhấn mạnh quan điểm và quyết đoán như vậy đăng trên một nền tảng cởi mở, thật sự là một điều mới mẻ đáng lưu tâm” – cô Yuan bình luận.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải - Ảnh: Reuters
Twitter hiện nay đang bị chặn ở Trung Quốc, vì vậy thông điệp của các nhà ngoại giao Trung Quốc, viết bằng tiếng Anh trên nền tảng này, rõ ràng nhắm đến người xem là công chúng ở nước ngoài.
Giờ đây ngay cả những cơ quan truyền thông tuyên truyền cho đảng Cộng sản Trung Quốc như tờ Nhân dân Nhật báo hay hãng thông tấn Tân Hoa, họ cũng có tài khoản Twitter để nhắm đến lượng công chúng này.
Tương tác bằng Twitter này nhanh chóng gây ra những cuộc khẩu chiến về ngoại giao, khi nền tảng này mở và ai có tài khoản đều có thể đọc được.
Điển hình như các dòng tweet của nhà ngoại giao Trung Quốc - Zhao Lijian mới đây nhằm phản pháo lại bức thư do 22 quốc gia ký tên trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tuần trước, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi bắt giữ những người Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương.
Qua Twitter, ông chỉ trích Mỹ có hành vi đối xử tồi tệ với những người Hồi giáo ở những nơi như Iraq, nhà tù vịnh Guantanamo, nơi các chiến binh al Qaeda bị giam giữ.
Nhà ngoại giao này cũng tweet về bạo lực súng đạn ở Mỹ hay các vụ bạo lực chống lại phụ nữ tại Mỹ.
Nhà ngoại giao Zhao Lijian tại sứ quán TQ ở Pakistan - Ảnh: Twitter của nhân vật
Zhao cũng viết về hiện trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ, bằng dòng tweet ghi nội dung: “Nếu bạn ở Washington D.C, hẳn bạn sẽ biết được người gia trắng sẽ không bao giờ đi đến khu SW vì nơi này là nơi sinh sống của cộng đồng người da đen và Latin. Họ nói: “Người da đen ở đó và người da trắng ra đi”, đồng nghĩa nơi nào có cộng đồng các gia đình da đen sinh sống lâu dài, người da trắng sẽ rút đi và giá nhà ở đó sẽ giảm mạnh”.
Các tweet dạng này tiếp cận được đối tượng công chúng lớn hơn so với các phương tiện truyền thông thông thường có thể tiếp cận. Nhưng cũng vì thế mà Trung Quốc có thể phải “trả giá” vì độ lan rộng rãi của nó.
Giảng viên Yuan Zeng nhận định với Reuters: “Tôi nghi ngờ về hiệu quả của việc nó tạo ra một môi trường quốc tế tốt hơn cho Trung Quốc để phát triển hay phát huy vai trò lãnh đạo, như cách Bắc Kinh đã nói, để duy trì hòa bình với thế giới”.
Sau dòng tweet tố phân biệt chủng tộc tại Mỹ của Zhao, Susan Rice, người từng là Cố vấn An ninh Quốc gia và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc trong thời gian cầm quyền của Obama, đã chỉ trích Zhao là một kẻ phân biệt chủng tộc, ngu dốt, gây sốc, và kêu gọi ông Thôi Thiên Khải cách chức người này.
Zhao ngay lập tức hôm 15-7 phản pháo ngay trên Twitter rằng ông được bổ nhiệm và đang hoạt động tại Islamabad (Pakistan) chứ không phải tại Washington, nơi Thôi làm đại sứ. Zhao này đáp trả: “Gọi ai đó nói sự thật bạn không muốn nghe là kẻ phân biệt chủng tộc quả là một hành động đáng kinh”.
Giao diện trang Twitter của Zhao Lijian - Ảnh: chụp màn hình
Trong dòng tweet về Đài Loan trên Twitter của ông Thôi, nhận được tới 2000 bình luận, hầu hết trong số đó phản pháo lại ông, ủng hộ Đài Loan. Điều này làm dấy lên khả năng phát sinh một cuộc khủng hoảng ngoại giao trong việc mở rộng mặt trận tuyên truyền của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh từng khuyến khích các quan chức nước này “bày tỏ quan điểm và thái độ rõ ràng của Trung Quốc” bằng cách tham gia vào các nền tảng truyền thông xã hội của nước ngoài và tìm cách hợp tác sâu hơn với truyền thông.
Vì thế có sự gia tăng gần đây của việc tham gia các nền tảng truyền thông bị chặn tại Trung Quốc như Twitter. Xu hướng này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Theo Reuters, Anh Duy lược dịch