Từ phân xử dựa trên UNCLOS ở Biển Timor nhìn về Biển Đông

Thứ Ba, 06/08/2019 12:32  | Anh Duy

|

(CATP) Phán quyết của Tòa PCA về vụ tranh chấp biển giữa Đông Timor và Úc đánh dấu lần đầu tiên có 2 quốc gia dàn xếp được ổn thỏa tranh chấp dựa trên cơ chế hòa giải đặc biệt của UNCLOS.

Giữa lúc Trung Quốc (TQ) ngang nhiên điều tàu cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông của Việt Nam và Malaysia mấy tháng qua, đồng thời ráo riết thực thi yêu sách “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền phi pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, thì Úc và Đông Timor đã dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp ổn thỏa trên biển.

Qua đó cho thấy, cơ chế của UNCLOS hoàn toàn có thể trở thành nền tảng cho việc phân xử hòa bình các tranh chấp trên biển.

Cách hành xử văn minh

Cũng trùng hợp khi giữa lúc Bắc Kinh đang “khuấy nước” ở Biển Đông với chủ nghĩa bá quyền “nước lớn” thì hôm 29-7, AFP đưa tin quốc hội (QH) của “nước lớn” khác là Úc đã bỏ phiếu thuận việc thực hiện hiệp ước phân chia biên giới trên biển Timor với quốc gia láng giềng Đông Nam Á có diện tích nhỏ và là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á: Đông Timor.

AFP nhận định, việc 2 nước giải quyết tranh chấp biển êm thấm được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho Đông Timor, khi hiệp ước giúp thiết lập những thỏa thuận mới làm cơ sở cho 2 nước chia sẻ nguồn lợi từ mẻ dầu và khí đốt Greater Sunrise trên vùng biển này.

Để có thể ngồi lại với nhau, cùng chia sẻ tài nguyên biển như hôm nay mà không phải đẩy căng thẳng ngoại giao lên mức nóng bỏng, Úc và Đông Timor bỏ qua dọa nạt cơ bắp mà sử dụng cơ chế của Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 (UNCLOS) để phân xử một cách văn minh.

Hiệp ước phân định biên giới trên biển giữa Úc - Đông Timor được cả hai ký tại trụ sở LHQ ngày 7-3-2018, giúp chấm dứt tranh chấp dai dẳng giữa 2 nước láng giềng suốt thập kỷ qua trên vùng biển nhiều tài nguyên.

Từ khi Đông Timor tách độc lập khỏi Indonesia năm 2002, chưa có đường biên giới biển nào được thiết lập giữa “nước lớn” Úc với quốc gia mới thành lập này. Cả hai chỉ mới đồng ý đường biên giới tạm thời. Đông Timor cho rằng mình bị Úc “xử ép” nhằm chiếm quyền tiếp cận tài nguyên dầu khí ước tính lên đến hàng chục tỷ đôla ở vùng biển này.

Năm 2016, Đông Timor đưa tranh chấp ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye phân xử dựa trên UNCLOS. Tòa sau đó đưa ra phán quyết cuối cùng, theo đó đường biên trên biển chính là đường trung tuyến khoảng cách giữa 2 quốc gia.

Khu vực biển Timor vừa được phân xử theo cơ chế của UNCLOS - Ảnh: AFP

Theo thỏa thuận mới, Đông Timor nhận ít nhất 70% của mẻ dầu lớn nhất Greater Sunrise, trị giá ước tính lên đến 40 tỷ USD, nước này sẽ khai thác để lấy tiền phát triển kinh tế. Ngoại trưởng Úc khi đó là Julie Bishop đã hoan nghênh quyết định này của tòa; còn tại Đông Timor, chính quyền nước này cũng phấn khởi trước phán quyết trên, khi cả hai nước đều được hưởng lợi ích lâu dài.

Phán quyết của Tòa PCA về vụ này cũng đánh dấu lần đầu tiên có 2 quốc gia dàn xếp được ổn thỏa tranh chấp dựa trên cơ chế hòa giải đặc biệt của UNCLOS.

Sau khi hiệp ước được QH 2 nước thông qua vào tháng 7 vừa qua, Đông Timor lên kế hoạch phát triển hoạt động thăm dò, khai thác tại mẻ dầu khí này, vận chuyển thành phẩm thông qua đường ống dẫn dầu đến bờ biển phía nam đất nước, với hy vọng sẽ mang lại cơ hội việc làm vốn rất cần thiết cho người dân ở quốc gia còn nhiều khó khăn này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Úc - Marise Payne hôm 29-7 cũng cho rằng hiệp ước đã giúp giải quyết tranh chấp lâu dài về ranh giới trên biển của 2 nước, qua đó giúp Úc định hình được lộ trình ổn định để phát triển hoạt động thăm dò, khai thác mẻ dầu Greater Sunrise, đồng thời đặt nền móng cho chương mới trong quan hệ song phương với nước láng giềng.

Vụ việc cho thấy tranh chấp biển giữa 2 nước có nguy cơ bùng phát dữ dội nếu cả hai không chịu ngồi lại với nhau để giải quyết thông qua cơ chế Tòa trọng tài của UNCLOS. Tuy nhiên tranh chấp cũng khiến Úc với tư cách “nước lớn” trong mối quan hệ song phương đã tổn hại danh tiếng trên trường quốc tế ít nhiều khi bị Dili kéo ra tòa trọng tài, như AFP tường thuật.

Úc - Đông Timor ký hiệp ước phân định biên giới - Ảnh: ABC

Theo đó, Úc bị cáo buộc thực hiện các hành động gián điệp để giành lợi thế thương mại trong các cuộc đàm phán. Ngoài ra, Đài ABC đưa tin, Úc tiếp tục thu lợi từ mỏ dầu được thiết lập để trao cho Đông Timor theo hiệp ước phân xử, thu khoảng 60 triệu đôla Úc trong 12 tháng từ sau khi hiệp ước được ký nhưng QH chưa phê chuẩn.

Tuy nhiên, các công ty dầu khí đã hành xử văn minh, khi tranh chấp leo thang ở mẻ dầu này, Australia Wood Woodside, Conoco Phillips, Shell và Osaka Gas quyết định dừng kế hoạch phát triển hoạt động thăm dò, khai thác ở đây cho đến khi có hiệp ước rõ ràng. Cuối cùng thì việc tuân theo phán quyết của tòa dựa trên UNCLOS đã mang đến lợi ích cho cả 2 quốc gia.

Khu vực phân định giữa 2 nước Úc - Đông Timor - Ảnh: graphicnews.com/

“Nước lớn” nhưng hành xử “không lớn”

Trở lại Biển Đông, tình hình trái ngược khi có “nước lớn” khác là TQ, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LQH đang sử dụng tư cách “nước lớn” để tiến hành các hoạt động bắt nạt những nước láng giềng ở vùng biển này.

Ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) - nơi xử vụ Úc với Đông Timor - tuyên bố Philippines thắng kiện TQ về tranh chấp chủ quyền Biển Đông và cho rằng TQ không có "các quyền lịch sử" dựa trên cái gọi là bản đồ "đường 9 đoạn". Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo của nước này là trái phép trên Biển Đông, đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

Hai năm sau từ khi PCA ra phán quyết theo cơ chế của UNCLOS, Bắc Kinh với tư cách thành viên của công ước này chẳng những bác bỏ mà còn gia tăng hoạt động đe nẹt các nước trong khu vực nhằm độc chiếm Biển Đông.

Điều đang nói là vừa một tay “khuấy nước” nhưng khi đến các diễn đàn quốc tế như Hội nghị ASEAN tại Bangkok vừa diễn ra, quan chức TQ lại “tố ngược” các quốc gia bên ngoài khu vực mới là bên khiến Biển Đông bất ổn (!). Một “nước lớn” nhưng hành xử “chẳng lớn” chút nào chỉ khiến hình ảnh của họ ngày càng xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế.

Hai vụ (Úc - Đông Timor) và Biển Đông nếu đặt cạnh nhau sẽ cho thấy “nước lớn” cũng có ba, bảy đường: có nước văn minh được nể trọng, có nước chỉ thể hiện sự “lớn” ở quy mô thống kê dân số, diện tích, kinh tế mà thôi!

Bình luận (0)

Lên đầu trang