Úc kiên quyết áp dụng luật trả tiền tin tức, dù Google và Facebook phản đối

Thứ Hai, 22/02/2021 14:26  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 22-2, Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Úc cho biết họ sẽ không thay đổi các luật được đề xuất sẽ khiến Google và Facebook phải trả tiền cho các nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng của hai công ty này bất chấp sự phản đối gay gắt từ những gã khổng lồ công nghệ.

Facebook đã phản đối mạnh mẽ các điều luật này và tuần trước đã đột ngột chặn tất cả nội dung tin tức và một số tài khoản của chính quyền bang ở Úc khiến người dùng không thể chia sẻ hay đăng tải nội dung tin tức từ các cơ quan truyền thông lên nền tảng.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội và các nhà lãnh đạo Úc đang tiếp tục thảo luận về những thay đổi luật vào cuối tuần.

Nhưng với dự luật được lên kế hoạch cho một cuộc tranh luận tại Thượng viện vào ngày 22-2, nhà lập pháp cấp cao nhất của Úc tại thượng viện cho biết sẽ không có sửa đổi nào nữa.

Simon Birmingham, Bộ trưởng Bộ Tài chính Úc nói với đài ABC rằng “Luật được trình đã đáp ứng được sự cân bằng một cách phù hợp”.

Cuộc đối đầu giữa chính quyền Úc và những gã khổng lồ công nghệ đang trở thành tâm điểm toàn cầu - Ảnh: Reuters

Dự luật ở dạng hiện tại đảm bảo “Nội dung tin tức do các tổ chức tin tức Úc tạo ra có thể và cần được thanh toán một cách công bằng và hợp pháp”.

Luật sẽ cho phép chính phủ quyền chỉ định một trọng tài để đặt ra phí cấp phép nội dung nếu các cuộc đàm phán riêng không thành công.

Trong khi cả Google và Facebook đều đã vận động chống lại luật này thì tuần trước, Google đã ký thỏa thuận với các các cơ quan tin tức hàng đầu của Úc, bao gồm cả thỏa thuận toàn cầu với tập đoàn truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch.

“Không có lý do gì Facebook không thể làm và đạt được những gì Google đã đạt được” - Birmingham nói thêm.

Một đại diện của Facebook đã từ chối bình luận hôm 22-2 về luật đã được hạ viện thông qua vào tuần trước và được đa số ủng hộ tại Thượng viện này.

Facebook bị phản ứng khi ngưng cập nhật nội dung tin tức trên newsfeed ở Úc
 
“Nóng bỏng” cuộc chiến đòi Google trả tiền bản quyền báo chí ở Úc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang