Lực lượng của cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau là bên nổ súng trước vào sáng cùng ngày. Sau đó, Campuchia cho biết họ đã pháo kích sang đất Thái Lan trong khi Thái Lan cho biết họ đã đáp trả bằng súng cối.
Campuchia cho biết một máy bay chiến đấu của Thái Lan sau đó đã thả hai quả bom gần con đường dẫn đến một ngôi đền nằm trên lãnh thổ Campuchia. Bạo lực xảy ra một ngày sau khi một binh sĩ Thái Lan bị mất chân trong vụ nổ mìn khi đang tuần tra khu vực biên giới - sự cố đã khiến quan hệ giữa Bangkok và Phnom Penh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Sau khi sự việc xảy ra, Thái Lan đã đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới với Campuchia. Quyền thủ tướng Thái Lan - Phumtham Wechayachai cho biết Campuchia đã bắn vũ khí hạng nặng vào Thái Lan mà không có mục tiêu rõ ràng, dẫn đến thương vong cho dân thường, đồng thời nhấn mạnh Bangkok sẽ không đàm phán với Campuchia cho đến khi giao tranh dọc biên giới kết thúc.
Bộ Quốc phòng Campuchia trong khi đó đã lên án hành động mà họ gọi là "hành động quân sự tàn bạo và bạo lực", cáo buộc Thái Lan vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ này xác nhận một máy bay F-16 của Thái Lan đã thả hai quả bom xuống một con đường gần đền cổ Preah Vihear, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Vị trí xảy ra cuộc đụng độ
"Campuchia bảo lưu quyền tự vệ hợp pháp và sẽ đáp trả quyết liệt trước hành động bạo lực của Thái Lan" - tuyên bố cho biết, đồng thời nhấn mạnh các lực lượng vũ trang "đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và người dân của vương quốc bằng mọi giá".
Bộ tư lệnh quân khu 2 của Thái Lan cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng các máy bay chiến đấu F-16 đã được triển khai tại hai khu vực. Bộ này cũng tuyên bố đã "phá hủy" hai đơn vị hỗ trợ quân sự khu vực của Campuchia. Người phát ngôn của quân đội - Đại tá Richa Suksuwanont cho biết các cuộc không kích chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự.
Ít nhất 12 người ở ba tỉnh của Thái Lan, bao gồm 11 thường dân và một binh sĩ Thái Lan đã thiệt mạng vì trúng pháo kích của Campuchia, trong khi 31 người khác bị thương, theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan.
Quân đội Thái Lan trước đó cho biết một bé trai 8 tuổi nằm trong số những người thiệt mạng.
Chính quyền Campuchia chưa báo cáo ngay lập tức về các trường hợp tử vong.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết các cuộc tấn công của Campuchia vào các khu vực dân sự vẫn tiếp diễn trong suốt cả ngày 24/7 bao gồm cả việc pháo kích nhắm vào một bệnh viện ở tỉnh Surin. Người dân Surin được nhìn thấy đang chạy tìm chỗ ẩn nấp và trú ẩn trong các boongke giữa tiếng súng nổ trong video do đài Thai PBS cung cấp.
Một chủ cửa hàng xe máy ở Surin có tên Komsan Jaipeng nói với CNN rằng khi cuộc đụng độ bắt đầu, anh thấy nhiều học sinh chạy tán loạn. Komsan đang mở cửa hàng thì nghe thấy tiếng nổ đầu tiên vào sáng 24/7.

Người dân ở tỉnh Surin - Thái Lan trú dưới boongke tránh pháo kích - Ảnh: AP
Tôi đã nói với vợ rằng chúng tôi sẽ không về nhà tối nay, chúng tôi sẽ ở lại ít nhất một đêm tại nơi trú ẩn này. Nhà chúng tôi cách biên giới khoảng 7 đến 8 km” - anh chia sẻ với CNN từ huyện Phanom Dong Rak. Komsan cho biết anh đã chuẩn bị một túi đồ dùng trong hơn một tháng nay, bao gồm quần áo dự phòng và bộ sạc điện thoại. “Tôi hy vọng chuyện này sẽ sớm kết thúc. Tôi chưa từng rơi vào tình huống này trước đây” - anh cho biết.
Bên kia biên giới tranh chấp tại tỉnh Preah Vihear của Campuchia, một người dân tên Chhan Rorn Yon nói với CNN rằng hàng xóm của anh đã tìm nơi trú ẩn trong một ngôi chùa ở một thị trấn gần đó nhưng anh sẽ ở lại làng Sa Em của mình.
“Tôi rất lo lắng rằng bom rơi và đạn sẽ giết chết chúng tôi” - người nông dân 45 tuổi nói với CNN từ Sa Em, cách khu vực xung đột, nơi vụ nổ súng đầu tiên nổ ra vào sáng 24/7 10 km về phía bắc. “Tôi không muốn trải qua điều này… Tôi vô cùng lo lắng. Tôi lo lắng cho người dân, con cái, người thân và đặc biệt là cho những người lính đang chiến đấu”.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập một "cuộc họp khẩn cấp" để "ngăn chặn hành vi của Thái Lan".
Trong những thập kỷ gần đây, Thái Lan và Campuchia có mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Hai nước có chung đường biên giới trên bộ dài 800 km - phần lớn do Pháp lập bản đồ khi họ kiểm soát Campuchia như một thuộc địa.
Năm 2011, quân đội Thái Lan và Campuchia đã đụng độ tại khu vực xung quanh ngôi đền Preah Vihear được xây dựng từ thế kỷ 11, khiến hàng nghìn người ở cả hai bên phải di tản và ít nhất 20 người thiệt mạng.
Cuộc xung đột gần đây bùng phát sau khi 5 binh sĩ Thái Lan bị thương trong một vụ nổ mìn hôm 23/7 khiến Thái Lan phải hạ cấp quan hệ ngoại giao với Campuchia.

Lính Campuchia nạp pháo cho bệ phóng pháo phản lực đa nòng BM-21 - Ảnh: Getty
Sáng 24/7, quân đội Thái Lan cho biết quân đội Campuchia đã bắn vào một căn cứ quân sự Thái Lan ở khu vực gần đền Ta Muen Thom cổ kính, còn gọi là đền Ta Moan Thom, nằm cách Bangkok khoảng 400 km về phía đông bắc, thuộc vùng lãnh thổ tranh chấp ở phía nam tỉnh Surin của Thái Lan và phía tây bắc Campuchia.
Thái Lan cho biết Campuchia đã triển khai một máy bay không người lái trước ngôi đền, trước khi đưa quân đội mang vũ khí vào. Theo quân đội Thái Lan, các cuộc đụng độ sau đó đã nổ ra dọc theo toàn bộ khu vực biên giới, tại ít nhất sáu địa điểm, với vũ khí hạng nhẹ và vũ khí hạng nặng được sử dụng. Điều này dẫn đến thương vong dân sự, nhà cửa và gia súc bị hư hại và buộc người dân gần đó phải sơ tán.
Campuchia đã bác bỏ thông tin này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết quân đội của họ đã hành động tự vệ sau một cuộc xâm nhập vô cớ của quân đội Thái Lan.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng đã trở nên tồi tệ vào tháng 5, khi một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một cuộc đụng độ giữa quân đội Thái Lan và Campuchia, trong đó cả hai bên nổ súng tại một khu vực biên giới tranh chấp khác của tam giác “ngọc lục bảo” nơi biên giới Campuchia, Thái Lan và Lào gặp nhau.

Một bệnh viện ở tỉnh Surin, Thái Lan trúng pháo kích từ Campuchia - Ảnh: AP
Kể từ đó, tranh chấp đã gây ra những hậu quả chính trị lớn đối với Thái Lan và khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở cả hai nước.
Cuộc xung đột đang diễn ra "có khả năng trở nên tồi tệ hơn trước khi mọi thứ trở nên tốt hơn" và vài ngày tới có thể chứng kiến thêm "đối đầu, đụng độ, leo thang. Mỗi bên đều có quá nhiều căng thẳng bị dồn nén" - Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định với CNN.