Kỷ niệm 71 năm Ngày Hồng Quân Xô Viết đánh tan Đức Quốc xã (9/5/1954 - 9/5/2016 ):

Tiếp tục tìm kiếm hài cốt, xác minh người mất tích

Thứ Bảy, 07/05/2016 16:39

|

(CAO) Cuộc chiến tranh 1941 - 1945 qua đi hơn 70 năm, nhưng cho đến tận hôm nay tại Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Bang Xô Viết, nhiều tổ chức tập hợp vẫn đang chuyên tâm vào công việc tìm kiếm hài cốt người lính ngã xuống, xác minh những trường hợp bị mất tích vì đạn bom, hoặc bị bắt làm tù binh…

Vẫn lưu truyền con số từ 27 - 40 triệu người Nga và người dân các nước Cộng hòa hy sinh trong cuộc chiến tranh vừa qua. Liệu con số ấy đúng hay chưa?

Trước ngày Lễ mừng chiến thắng năm nay 2016, phóng viên báo Nhân chứng và Sự kiện gặp người đại diện của Hội Lịch sử Chiến tranh CHLB Nga để làm sáng tỏ điều này và nhiều điều khác.

Người đại diện Hội Lịch sử chiến tranh cho biết: Số liệu về những người hy sinh trong chiến tranh không giống nhau xuất phát từ những cách tính khác nhau.

Con số đó tính trên toàn Liên Bang Xô Viết, hay chỉ riêng tại Liên Bang Nga? Tính riêng những người lính hay tính gom cả những người dân thiệt mạng? Tính riêng người hy sinh, người bị thương hay người mất tích?

Những loạt đạn vinh biệt người ngã xuống trong cuộc chiến 71 năm trước vẫn vang lên trong ngày hôm nay

Cho tới hôm nay có con số thống kê chính thức, khá chính xác. Tính riêng số binh lính và sỹ quan Xô Viết ngã xuống trên các chiến trường suốt trong 4 năm chiến tranh là: 8.866.400 người.

Trả lời câu hỏi “Những tiêu chí, yêu cầu nào được nêu ra để xác định người lính hy sinh, người lính bị thương rồi thất lạc, người lính mất tích”, đại diện Hội Lịch sử Chiến tranh Nga cho biết: Trải qua từng ấy năm, những tiêu chí, những yêu cầu ấy ngày càng trở nên cụ thể, khoa học, chính xác hơn. Ví như khi tìm được thi thể hoặc giây tờ đi kèm thi thể người chiến sỹ hy sinh kia - trường hợp này dễ dàng và đương nhiên được coi là người chiến sỹ ấy hy sinh.

Nếu người chiến sỹ ấy được đồng đội chôn cất, kèm theo giấy tờ của đơn vị xác minh ngày, nơi chôn cất – trường hợp này càng dễ khẳng định hơn. Trường hợp khác, nếu có từ 3 người trở lên chứng kiến anh chiến sỹ ấy hy sinh hoặc nhìn thấy thi thể anh ta, người xấu số cũng được coi là hy sinh…

Khó xác minh nhất là khi anh lính bị thương, bị mất giấy tờ khi chuyển viện, lại bị tử vong vì vết thương ở bệnh viện... Những chiến sỹ bị bắt làm tù binh vì rất nhiều nguyên cớ khác nhau càng khó xét đoán là bị mất tích hay đầu hàng địch vì nhát gan, hèn hạ? Những trường hợp này, công việc điều tra, nghiên cứu để trả lại danh dự, phẩm chất cho người sống sót càng phức tạp hơn...

Người đại diện Hội Lịch sử Chiến tranh Nga nhắc lại câu nói nổi tiếng của danh tướng Nga Xuvorov: “Chiến tranh chưa thể kết thúc được, chừng nào chưa hoàn tất việc khâm liệm người lính cuối cùng” và cho biết thêm, bước qua năm 2016 này, đội ngũ những người chuyên tâm làm công việc đi tìm hài cốt những chiến sỹ ngã xuống, những người lính mất tích vì nhiều lý do khác nhau trong cuộc Chiến tranh 1941 - 1945 vẫn rất bận rộn, rất chuyên tâm, cần cù, hết lòng trách nhiệm trong công việc thiêng liêng mà đất nước, nhân dân và lớp con cháu những ai ra đi trao phó cho.

Bình luận (0)

Lên đầu trang