(CAO) Hôm nay 5-11, tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 5 đến 11-11 chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) quy tụ lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên tham dự.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC (lần trước vào năm 2006). Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh quốc tế biến động không ngừng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chống toàn cầu hóa diễn ra ở nhiều quốc gia. Nhiều định chế hợp tác mới ra đời từ cấp song phương đến khu vực cạnh tranh với vai trò của APEC.
Chạy đua vũ trang, tình trạng nghèo đói, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu đe dọa đến sự phát triển kinh tế bền vững, bao trùm. Những thách thức đó đòi hỏi sự đoàn kết của các thành viên APEC nhằm hạn chế bất đồng hướng đến đại cục chung là sự hợp tác toàn diện, sâu rộng.
Hướng đến một Cộng đồng Thái Bình Dương phát triển
Ra đời vào năm 1989, năm sụp đổ của bức tường Berlin trong bối cảnh Chiến Tranh lạnh gần đến hồi kết. Nguy cơ về một Thế giới đơn cực, duy ý chí làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều quốc gia buộc các thành viên của khu vực phát triển kinh tế năng động nhất Thế giới là Châu Á – Thái Bình Dương ngồi lại cùng nhau định ra cơ chế hợp tác mới dựa trên nguyên tắc “có lợi, đồng thuận và tự nguyện”.
Đà Nẵng đã sẵn sàng cho tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 5 đến 11-11
APEC ra đời trở thành diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng dù đến nay nó vẫn chưa trở thành một tổ chức chính thức. Cũng tại đây, những cường quốc quan trọng trên Thế giới gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc có một không gian đối thoại thẳng thắn mà theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là “những quyền lợi chung - như các ràng buộc thương mại, hợp tác ngoại giao và các vấn đề riêng biệt- được theo đuổi một cách chuyên nghiệp . Những cuộc khủng hoảng khi chúng phát sinh nói chung được giải quyết bằng thảo luận” (*).
Minh chứng cho vai trò “giải quyết bằng thảo luận” của APEC thể hiện trong phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One hôm 4-11. Reuters dẫn lời Trump cho biết: “Tôi nghĩ tôi sẽ gặp (tổng thống Nga) Putin. Chúng tôi muốn Putin giúp đỡ trong vấn đề Triều Tiên”. Cuộc gặp gỡ Trump – Putin đó đang được truyền thông quốc tế chờ đón bên lề tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng tới đây.
Định khung hợp tác khu vực giữa biến động
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam trong bối cảnh tình hình Thế giới không ngừng biến động. Điều đó thể hiện qua lời cảnh báo của Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị toàn thể của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) ngày 15-5 vừa qua, trong khuôn khổ năm APEC: “Những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị, thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng” đòi hỏi “một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và khả năng thích ứng”.
“Cấu trúc” đó chính là sự hợp tác liên quốc gia, thông suốt với một cơ chế điều hòa lợi ích của các nước thành viên, tạo thành kênh giải quyết các bất đồng từ kinh tế đến chính trị. Những đòi hỏi đó đặt gánh nặng lên vai APEC nổi lên với vai trò là một không gian đối thoại mở giữa các quốc gia.
Lãnh đạo các nước thành viên APEC dự tuần lễ cấp cao tại Hà Nội năm 2006. Năm 2017 là lần thứ 2 Việt Nam tổ chức APEC
Trong suốt năm APEC 2017 vừa qua, chương trình nghị sự do Việt Nam đề xuất đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên bởi những chủ đề rất sát với thời cuộc.
Có thể điểm qua đó là vấn đề phát triển kinh tế bao trùm với các cuộc thảo luận của những nước thành viên về phát triển kinh tế sao cho bền vững. “Bền vững” ở đây được thể hiện ở chính cơ cấu nền kinh tế với tỉ trọng các ngành phù hợp, tạo công ăn việc làm cho mọi tầng lớp để trong “cơn lốc” phát triển kinh tế thị trường đó, không thành phần dân cư nào bị “bỏ lại phía sau”. Khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp.
Những thành công này có Việt Nam là một minh chứng khi hơn 30 năm sau “Đổi mới”, nước ta phát triển với cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp từ nông nghiệp chiếm đa số sang cơ cấu kinh tế bền vững hơn với khu vực công nghiệp, dịch vụ không ngừng tăng, hướng đến mục tiêu hình thành nền kinh tế tri thức. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam giảm mạnh, đạt các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc để “không ai bị bỏ lại phía sau".
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề thách thức đến phát triển bền vững
Đó còn là chủ đề được thể hiện qua Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Cần Thơ trong khuôn khổ Năm APEC 2017 được tổ chức vừa qua. Hội nghị đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trên toàn cầu.
APEC phải tạo ra một thế chủ động để ứng phó với việc định hình các chính sách phát triển để thích ứng, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực tiên phong với việc ứng dụng các công nghệ gieo trồng thích ứng với sự biến đổi, chuyển dịch cây trồng, chuyển dịch dân cư và cơ cấu kinh tế để tránh một viễn cảnh thiếu lương thực, buộc phải di dân vì khí hậu.
Các nền kinh tế thành viên APEC
Bên cạnh đó là hàng loạt chủ đề khác đã được Việt Nam đề xuất trong năm APEC từ cải cách thuế quan, hoạch định chính sách đô thị, đẩy mạnh đầu tư cho y tế… đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nền kinh tế thành viên…
Tất cả các vấn đề được thảo luận trong năm APEC sẽ được trình lên dàn lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên trong tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng tới đây để chốt lại một khung hành động hợp tác cho khu vực trong bối cảnh biến động không ngừng của Thế giới.
APEC tự thân nó đang vận động theo nhu cầu hợp tác sâu rộng thời toàn cầu hóa của cộng đồng Thái Bình Dương.
---------------------------------------------------------------------
(*) Đoạn trích trong cuốn Bàn về Trung Quốc của Henry Kissinger - NXB Công an nhân dân phát hành năm 2016/ Trang 527