Thị xã Phước Long, Bình Phước: Khốn khổ vì con đường bị "vướng"

Thứ Sáu, 15/10/2021 11:15  | PV

|

(CATP) Bản án sơ thẩm của TAND TX.Phước Long có nhiều "lỗ hổng" đến khó tin nên bị "tuýt còi". Kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước, nêu rõ: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, toà thu thập chứng cứ và chứng minh không đầy đủ, đánh giá chứng cứ phiến diện, thiếu khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến quyết định bản án không đúng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, cần phải huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Giao kèo rồi "bẻ kèo" (?!)

Trình bày với PV, ông Nguyễn Thái Cường (ngụ P.Long Phước, TX.Phước Long) bức xúc: Con đường tại KP2, P.Long Phước dẫn vào khu nhà xưởng của ông bỗng dưng bị hai cánh cửa sắt kiên cố khóa chặt, khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông đã khởi kiện để được tòa làm sáng tỏ nhưng bản án sơ thẩm càng gây thêm ức chế!

Kèm chứng cứ, ông Cường trình bày: Tháng 9-2014, ông mua khu đất 2.610,3m2 thuộc thửa 417, tọa lạc KP2, P.Long Phước từ bà Nguyễn Thị Mỹ Tình (ngụ tỉnh Quảng Trị) để làm nhà xưởng. Hoàn tất thủ tục, ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) khu đất ngày 20-1-2016.

Như hai bên thoả thuận khi bán đất, bà Tình đã mở con đường rộng 6m, dài khoảng 200m, trên phần đất thuộc thửa 86 của bà Tình (đã đươc cấp sổ đỏ, liền kề thửa đất 417), cho ông Cường làm lối đi chung.

Đầu năm 2015, bà Tình bán thửa đất 86 cho ông Nguyễn Đông Kinh và bà Dương Thị Ngọc Dung (ngụ P.Long Phước). Do lúc này, bà Tình đang ở Quảng Trị nên sau khi thoả thuận giá cả, bà đã uỷ quyền cho bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ P.Long Phước) ký hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) đất cho vợ chồng ông Kinh. Khi bán, bà Tình đã báo cho bên mua và ông Cường, là trừ ra con đường (đo thực tế 1.295,1m2) để sử dụng làm lối đi chung cho 2 hộ ông Cường và ông Kinh. Các bên đồng ý ký vào "bản cam kết" (do bà Tình soạn sẵn, ký tại Quảng Trị rồi chuyển vào bằng đường bưu điện) thì bà mới bán.

Cả bà Tình, ông Cường, ông Kinh và nhân chứng Nguyễn Thanh Bình (chồng và Hiền) cùng ký vào "bản cam kết", nội dung: "Nếu sau này ai có thay đổi ý kiến, chiếm đoạt con đường đi thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật".

Đồng thời, ngày 3-2-2015, vợ chồng ông Kinh tự lập "giấy cam kết" tại nhà, nội dung: "Phần đất rộng 6m, dài 200m thuộc quyền sử dụng chung của tôi là Nguyễn Đông Kinh và anh Nguyễn Thái Cường. Nếu sau này ai làm sai giấy cam kết này thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với pháp luật...". Các ông Kinh, Cường, Bình và ông Dương Quốc Sinh (đại diện chính quyền địa phương) cùng ký vào Giấy cam kết này.

Đã 2 lần ký cam kết nhưng sau khi có sổ đỏ, bên mua đất lại muốn dành riêng lối đi chung nên hàn khoá cửa sắt bịt kín.

Lối đi chung đã bị hàn khoá bịt kín

Nhận định "khó đỡ” của HĐXX

Ông Cường khởi kiện, yêu cầu toà công nhận 1.295,1m2 đất là lối đi chung. Phía bị đơn phản tố, đề nghị toà đình chỉ yêu cầu khởi kiện; công nhận phần diện tích đất con đường cho ông Kinh và bà Dung.

TAND TX.Phước Long mở phiên tòa sơ thẩm ngày 27-4-2021 với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa làm chủ tọa, đến ngày 5-5-2021 tuyên Bản án số 16/2021/DS-ST. Dù có rất nhiều chứng cứ xác thực nhưng lạ thay, HĐXX đều đưa ra nhận định "3 không" (không có căn cứ, không có cơ sở, không có giá trị pháp lý), từ đó, bác đơn ông Cường.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, HĐXX tuyên 2 phần: "Đình chỉ” một phần yêu cầu phản tố về công nhận phần đất làm con đường và "không chấp nhận" phần yêu cầu phản tố đề nghị toà đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo HĐXX, bà Tình uỷ quyền cho bà Hiền ký HĐCN đất ngày 30-1-2015; đến ngày 3-2-2015, vợ chồng bà Tình không còn quyền hạn gì với thửa đất 86 nên "bản cam kết" và ý kiến của hai người này không có cơ sở pháp lý.

Vợ chồng ông Kinh nhận chuyển nhượng đất, được cấp sổ đỏ nên có các quyền của người sử dụng đất. Đối với "giấy cam kết" ngày 3-2-2015 được làm tại nhà bà Dung, HĐXX nhận định: Nếu làm tại nhà bà Dung là bà Dung phải cùng ký với chồng. Việc ông Kinh ký "giấy cam kết" không được sự đồng ý của bà Dung là vi phạm quyền định đoạt tài sản chung của vợ chồng cũng như không tuân thủ pháp luật về đăng ký... Từ đó, HĐXX "phán" các giấy cam kết không có giá trị pháp lý (?!).

Kháng nghị vì quá nhiều "lỗ hổng"

Sau khi xem xét, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước, đã kháng nghị toàn bộ Bản án số 16/2021/DS-ST vì một loạt vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể:

Thứ nhất, Bản án nhận định "bản cam kết" bà Tình viết sau khi công chứng HĐCN đất là thiếu căn cứ, phiến diện. Bởi, theo bà Hiền trình bày thì "bản cam kết" bà Tình lập ở quê, gửi qua đường bưu điện, bà không nhớ là ai đã ghi thêm "ngày 3-2" vào "bản cảm kết".

Cũng theo bà Hiền, "giấy cam kết" tại nhà bà Dung ngày 3-2-2015 được lập sau "bản cam kết" của bà Tình. Xét về mặt thời gian thì "bản cam kết" có trước khi bà Hiền ký HĐCN đất là có cơ sở, phù hợp với lời khai bà Hiền là ngày 3-2 được ghi thêm vào "bản cam kết". Bà Hiền cũng thừa nhận khi làm thủ tục chuyển nhượng đất, bà nghĩ đã có "bản cam kết" giữa các bên nên bà mới không cắt 6m đất con đường.

Lời khai của bà Hiền tại phiên tòa cho rằng "bản cam kết" được làm sau khi đã ký HĐCN đất như nhận định của toà là không có cơ sở, mâu thuẫn với chính lời khai của bà Hiền về thời gian nhận "bản cam kết", nhận giấy ủy quyền và thời gian ký HĐCN đất.

Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định "bản cam kết" được bà Tình làm trước khi bà Hiền thực hiện việc uỷ quyền và ký HĐCN đất cho ông Kinh, bà Dung.

Thứ hai, "bản cam kết" là tự nguyện, không bị ép buộc, có nội dung, mục đích phù hợp với các quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm và không phải là loại HĐ dân sự thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Như vậy, đủ cơ sở để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ đã cam kết.

Thứ ba, liên quan đến "giấy cam kết" do ông Kinh - bà Dung lập ngày 3-2-2015: Theo bà Hiền khai, được làm sau "bản cam kết" của Tình gửi từ ngoài quê vào mấy ngày. "Giấy cam kết" được làm tại nhà ông Kinh, bà Dung do con ông Kinh là người đánh máy, có bà Hiền, bà Dung, ông Cường chứng kiến. Tuy không ký vào "giấy cam kết" nhưng bà Dung biết và không phản đối. Các bên là hàng xóm, vẫn sử dụng con đường đi chung, ổn định từ 2015, bà Dung không có ý kiến, cũng không khiếu nại. Như vậy, bà Dung cho rằng bà không biết gì là không có căn cứ.

Do đó, toà nhận định "giấy cam kết" không có giá trị pháp lý để bác yêu cầu khởi kiện là thiếu căn cứ, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.

Thứ tư, toà chưa làm rõ giá trị pháp lý Hợp đồng ủy quyền (HĐUQ) ngày 27-1-2015 giữa vợ chồng bà Tình với với bà Hiền về việc được quyền chuyển nhượng thửa đất 86. Theo bà Hiền trình bày, HĐUQ được ký ở Quảng Trị gửi vào cho bà qua đường bưu điện. Khi mua bán thửa đất 86 hai bên chỉ giao dịch trên giấy tờ, không tiến hành đo đạc, chỉ ranh, mốc, vị trí đất để giao đất theo đúng thực địa...

Chưa làm rõ HĐUQ nhưng toà lại sử dụng làm tài liệu chứng cứ để bác yêu cầu của nguyên đơn là thiếu căn cứ, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ năm, tòa án không đưa UBND TX.Phước Long vào tham gia tố tụng để xác định việc cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Kinh có đúng trình tự, thủ tục hay không là vi phạm tố tụng.

Thứ sáu, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn đã rút các yêu cầu phản tố, thì HĐXX phải tuyên đình chỉ toàn bộ phần rút yêu cầu. Thế nhưng HĐXX tuyên chỉ đình chỉ "một phần" và không chấp nhận đối với phần yêu cầu còn lại. Tuyên như thế là không đúng, vi phạm pháp luật...

Do có quá nhiều vi pham nghiêm trọng dẫn đến quyết định bản án không đúng nên Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án...

Bình luận (0)

Lên đầu trang