Vụ cảng Quy Nhơn bán giá ‘bèo’:​ Liên minh nào “thâu tóm” cảng Quy Nhơn?

Chủ Nhật, 28/01/2018 09:59  | Hoàng Quân

|

(CAO) Trách nhiệm trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn sau đó bán cho tư nhân có trách nhiệm của Bộ GTVT, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Thoái hết vốn Nhà nước để tư nhân nắm giữ

Thực hiện đề án của Chính phủ về tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015, khi thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, Vinalines đã bán toàn bộ vốn nhà nước (75,01% của 40.409.950 cổ phần tương đương hơn 404 tỷ đồng) tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (TP.Hà Nội).

Việc này đã làm trái các quyết định (QĐ) số 276/QĐ-TTg ngày 4-2-2013 của Chính phủ quy định: “Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nắm giữ 75% vốn điều lệ”; văn bản số 747/TTg-ĐMDN của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 27-5-2013 yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức: “Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ” và QĐ số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 quy định: Công ty CP, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên nắm giữ 50% trở lên tổng số cổ phần, vốn góp.

Việc cổ phần hóa, thoái vốn tại cảng Quy Nhơn được thực hiện thành công trong năm 2013. Sau khi có công văn số 747/TTg-ĐMDN của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 27-5-2013 chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện thì Vinalines nắm giữ 49%, các nhà đầu tư trong nước 51%. Tháng 9-2013, Công ty CP Cảng Quy Nhơn bán 4,04 triệu cổ phần cho Công ty Hợp Thành và bán 10% vốn cho cổ đông tự do.

Tháng 1-2014, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là Đinh La Thăng có văn bản thông báo kết luận lấy cảng Quy Nhơn làm thí điểm cổ phần hóa, đồng ý bán hết cổ phần nhà nước.

Ngày 12-5-2014 (sau khi Vinalines đã bán 26,01% cổ phần), Vinalines có văn bản về việc bán toàn bộ cổ phần. Hai ngày sau, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines về kiến nghị của toàn thể cán bộ nhân viên xin giữ lại 49% cổ phần nhà nước, nhưng Vinalines không xem xét.

Tháng 6-2015, Vinalines chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phần (26,01%) và tháng 9-2015, Vinalines bán nốt vốn còn lại với 19,8 triệu cổ phần cho Công ty Hợp Thành để doanh nghiệp này nắm giữ 86,23% cổ phần. Công ty này do ông Lê Hồng Thái (SN 1974, ngụ TP.Hà Nội) làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2007. Công ty có vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng và ông Thái nắm giữ 76,23% cổ phần.

Trên website của công ty giới thiệu, Công ty Hợp Thành cùng các đơn vị thành viên của Hợp Thành Group là những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh: Khai thác khoáng sản; Đầu tư xây dựng; Sản xuất gang thép; Kinh doanh bất động sản; Đầu tư tài chính... với doanh thu hàng năm khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Hợp Thành đã thực hiện hàng loạt dự án khắp cả nước: dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du (Hà Nội), khách sạn SeaDragon (Quảng Ninh), nhiệt điện Thái Bình, nhiệt điện Vũng Áng, khu liên hiệp gang thép Hà Tĩnh, cảng Quy Nhơn...; cung cấp máy móc thiết bị cho các dự án trọng điểm ngành dầu khí, các dự án xây dựng…

Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn

Những thành viên “đình đám”

Ngày 22-10-2015, Công ty CP Cảng Quy Nhơn ra nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Quý Hòa (SN 1961) và bổ nhiệm ông Lê Hồng Thái làm Tổng giám đốc; gửi giấy đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật đến Sở KH&ĐT Bình Định để ông Thái thay ông Hòa.

Cũng trong ngày, công ty tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018 gồm: bà Trần Thị Quỳnh Yên (SN 1971, ngụ TP.Hà Nội), ông Trần Tuấn Nghĩa (SN 1973, ngụ Bình Định) và ông Hoàng Quách Việt (SN 1977, ngụ TP.HCM).

Cùng ngày, HĐQT họp và bầu ông Thái làm chủ tịch. Chỉ 1 ngày sau, Sở KH&ĐT Bình Định cấp giấy chứng nhận đăng ký (thay đổi lần thứ 6) cho Công ty CP Cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng và người đại diện là ông Thái.

Trong tỉ lệ 86,23% cổ phần tại cảng Quy Nhơn thì gia đình ông Thái nắm giữ hơn 30,8 triệu cổ phần (chiếm 76,23% vốn điều lệ của hơn 404 triệu cổ phần). Tháng 3-2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra việc cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn, thời điểm này ông Thái chuyển nhượng 45% vốn tại Công ty Hợp Thành cho bà Trần Thị Quỳnh Yên - Tổng giám đốc Công ty Hợp Thành. Bà Yên cũng là thành viên HĐQT của Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Phần vốn của vợ và con ông Thái lần lượt 36% và 19% vẫn giữ nguyên. 

Cổng vào cảng Quy Nhơn

Ông Thái từng nắm giữ nhiều chức vụ tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): Tháng 12-2008 đến năm 2010 là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico – thành viên của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) mà Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT, Vũ Đức Thuận làm Tổng Giám đốc đã để thua lỗ, thất thoát gần 3.300 tỷ đồng. Từ tháng 10-2010 đến tháng 7-2011, ông Thái là ủy viên HĐQT Tổng Công ty PVC; giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Cảng Quy Nhơn từ tháng 6-2015 đến nay.

Một cái tên “đình đám” cũng nắm giữ cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn là ông Trần Duy Tùng (SN 1985), con trai ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ông Tùng làm thành viên HĐQT từ tháng 7-2016. Ngày 1-10-2017, ông Tùng được công ty cho thôi làm thành viên HĐQT và người thay thế là bà Nguyễn Thị Nghiệp - cố vấn HĐQT.

Ông Trần Bắc Hà bị TAND TP.HCM triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến phiên xét xử giai đoạn 2 ngân hàng Xây dựng (VNCB) gồm các bị cáo Trầm Bê, Phạm Công Danh và 40 đồng phạm, đang diễn ra tại TAND TP.HCM. Tuy nhiên ông Hà vắng mặt do đi nước ngoài chữa bệnh (!?) .

Bên trong khu cảng 

Như Báo Công an TP.HCM đã đưa tin, ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015) đã nói: “Mọi vấn đề về cổ phần hóa, bán cho ai, bán như thế nào ở cảng Quy Nhơn là trách nhiệm Bộ GTVT, Vinalines. Tháng 7-2015, tôi có ký văn bản gửi Bộ GTVT nội dung đồng ý cổ phần hóa với lý do để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng. Tôi làm vậy là mong muốn cảng có hạ tầng xứng đáng. Thời điểm này là sau 1 năm Bộ GTVT đồng ý cho Vinalines đã bán 26,01% cổ phần ở cảng Quy Nhơn rồi và đã đồng ý bán tiếp 49% còn lại. Vì cảng là của Bộ GTVT nên địa phương không có quyền”.

Ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015)​

Ông Tô Tử Thanh (76 tuổi) – nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996-2001) nêu ý kiến sau khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định hiện tại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành xem xét để nhà nước quản lý cảng Quy Nhơn là “Chính phủ quy hoạch phát triển tổng thể, chú trọng đầu tư nâng cấp cảng để nhà nước nắm giữ cổ phần, quản lý cảng. Từ đó tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của cảng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang