Vụ cảng Quy Nhơn bán giá “bèo”: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện nói gì?

Thứ Sáu, 26/01/2018 23:37  | Hoàng Quân

|

(CAO) Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015 cho rằng, vấn đề quản lý, cổ phần hóa, bán cảng Quy Nhơn cho ai, như thế nào là trách nhiệm của Bộ GTVT và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Như Báo Công an TP.HCM đã thông tin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong quá trình thực hiện cổ phần hóa đã bán toàn bộ vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (TP.Hà Nội).

Việc chuyển nhượng, thoái hóa vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã làm trái với các quyết định (QĐ) số 276/QĐ-TTg ngày 4-2-2013 của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký về “Phê duyệt đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015”, quy định: “Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nắm giữ 75% vốn điều lệ”; văn bản số 747/TTg-ĐMDN do Phó Thủ tướng ký ngày 27-5-2013 yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức: “Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ; các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ”; và QĐ số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký “Về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước” quy định: Công ty CP, Công ty TNHH hai thành viên trở lên nắm giữ 50% trở lên tổng số cổ phần, vốn góp.

Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015)

Sáng 26-1, PV Báo Công an TPHCM đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015) về những nội dung liên quan đến cảng Quy Nhơn.

Đánh giá về việc ông Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và một số đại diện cơ quan, ban ngành về kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến làm việc tại Bình Định vào ngày 20-1-2018 là xem xét để Nhà nước quản lý, nắm giữ cổ phần ở cảng Quy Nhơn, ông Thiện bày tỏ: “Tôi đồng tình với kiến nghị này vì cốt yếu vẫn để làm sao phát huy hiệu quả, phát triển cảng Quy Nhơn cho tốt. Là cảng trọng điểm của cả nước, nằm trong thí điểm thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động (cổ phần hóa) nhưng chưa được đầu tư hạ tầng xứng đáng và khi doanh nghiệp mua lại cảng (Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành – PV) thì chưa thực sự đầu tư hạ tầng nhiều, nhất là các cầu cảng và nạo vét luồng lạch, dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Vì thế nên chưa phát huy được tầm quan trọng, vị thế của cảng, chưa thúc đẩy được sự phát triển kinh tế của địa phương”.

Cổng vào cảng Quy Nhơn

Từ hồ sơ mà PV thu thập được và ông Thiện cũng nhớ rõ quá trình cổ phần hóa, thoái hóa vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn khi nó đã được thực hiện thành công trong năm 2013 với tỉ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ (hơn 404 tỷ đồng) là 75,01%. Sau khi có công văn số 747/TTg-ĐMDN của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 27-5-2013 chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện thì Vinalines nắm giữ 49%, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51%.

Đầu tháng 1-2014, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng có văn bản thông báo kết luận là lấy cảng Quy Nhơn làm điểm cổ phần hóa, đồng ý bán hết cổ phần Nhà nước.

Ngày 12-5-2014, Vinalines có văn bản về việc bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại cảng Quy Nhơn thì 2 ngày sau, Tổng giám đốc Công ty CP cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines nêu kiến nghị của toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên công ty xin giữ lại 49% cổ phần Nhà nước. Thời điểm này thì Vinalines đã bán 26,01% cổ phần cho Công ty Hợp Thành.

Tuy nhiên, mọi quy định của Chính phủ và kiến nghị của Công ty CP cảng Quy Nhơn về việc Nhà nước sở hữu 49% đã không được xem xét. Trước và sau đó thì Bộ GTVT đã đồng ý cho Vinalines bán hết cổ phần tại cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành nắm giữ.

Trách nhiệm của Bộ GTVT và  Vinalies?

Tháng 7-2015, ông Nguyễn Văn Thiện ký văn bản gửi Bộ GTVT nội dung đồng ý cổ phần hóa vốn với lý do “để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn.

Lý giải về việc làm này, ông Thiện nói: “Tôi ký văn bản trên tinh thần mong muốn cảng có hạ tầng xứng đáng, hơn nữa để giải quyết áp lực sự quá tải. Lúc đó tôi đi kiểm tra, thấy kẹt xe, hàng hóa ở cảng dài mấy cây số nên tôi thấy khó chịu và làm văn bản, nội dung là đề nghị thúc đẩy làm hạ tầng chứ không phải vấn đề cổ phần hóa. Vì cảng là của Bộ GTVT, không phải của địa phương nên địa phương không có quyền, không tham gia được gì trong việc cổ phần hóa. Vì vậy tôi có ký hay không thì không ảnh hưởng, quyết định đến sự việc. Cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Mọi vấn đề về kinh tế, cổ phần hóa như thế nào, bán cho ai, bán như thế nào là trách nhiệm Bộ GTVT, địa phương chỉ có văn bản bổ sung, không thể quyết định, thay đổi được khi mọi chủ trương đã được thực hiện”.

Về cách giải quyết đối với cảng Quy Nhơn, ông Thiện bày tỏ: “Tỉnh Bình Định mong muốn Chính phủ xem xét để Nhà nước nắm giữ cổ phần theo quy định và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (chủ yếu xây cầu cảng, nạo vét…) đồng bộ, cho xứng đáng với tiềm năng, vị thế của cảng, đảm bảo sự phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang