VÔ TƯ TÁCH THỬA
Qua kiểm tra về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, không ít các cơ quan chức năng giật mình trước sự xuất hiện hàng loạt KDC tự phát. Một số thành viên đoàn kiểm tra cho rằng, chính quyền cơ sở ở đâu khi không phát hiện các công trình không phép xây dựng hết sức tràn lan.
Các cơ quan chức năng xác định, địa bàn tỉnh có 16 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản tự phân lô, bán nền xây dựng KDC tự phát với diện tích hơn 63.000m2. Điều lạ là thay vì xử lý KDC tự phát trên, chính quyền địa phương đồng ý tách thành 587 thửa đất để chuyển nhượng hoặc xây dựng nhà.
Địa phương có KDC tự phát nhiều nhất là TP.Bạc Liêu với diện tích hơn 51.000m2 được tách thành 329 thửa. Nhờ sự nhiệt tình của địa phương, không ít hộ dân làm giàu nhờ phân lô, xẻ nền lập KDC tự phát. Trường hợp ông Dương Minh Trọng (ngụ P1, TP.Bạc Liêu) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 1.001,2m2, mục đích là đất trồng cây lâu năm.
\Theo lời của ông Trọng, do kinh tế gia đình khó khăn, trồng cây không hiệu quả nên đã tách thành 9 thửa đất bán cho người khác. Thấy ông Trọng đổi đời nhờ tự quy hoạch KDC, nhiều hộ dân cũng "hô biến" đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa thành những KDC trái phép ngay giữa lòng thành phố.
Ông Lê Kỳ Nam (ngụ P5, TP.Bạc Liêu) được cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ diện tích 12.000m2, mục đích sử dụng đất là đất nuôi trồng thủy sản. Ông đã lập thủ tục tách thành 39 thửa đất. Cùng phường với ông Nam có ông Trần Quốc Sử sở hữu 5.703,3m2 đất nuôi trồng thủy sản cũng lập thủ tục tách thành 37 thửa đất.
Ông Mã Kiệt Vũ chuyển đổi 10.000m2 đất nuôi trồng thủy sản tách thành 40 thửa đất để phân lô bán nền. Hộ ông Lý Văn Chạy (ngụ P8, TP.Bạc Liêu) sở hữu 8.889,20m2 đất nuôi trồng thủy sản. Trước "làn sóng" phân lô xẻ nền tràn lan, ông Chạy không bỏ qua cơ hội liền "đánh lớn" và được địa phương tách thành 78 thửa đất đem bán bỏ túi tiền tỷ.
Trung tâm TP.Bạc Liêu có 10 trường hợp lập KDC tự phát, 6 trường hợp còn lại tập trung ở trung tâm huyện, thị trấn... Tại huyện Vĩnh Lợi có 3 trường hợp với diện tích 12.053,70m2 được tách thành 54 thửa.
Trường hợp hộ ông Lộ Thiếu Hoa (ngụ thị trấn Châu Hưng) sử dụng 1.090m2 đất trồng lúa, được UBND huyện Vĩnh Lợi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở và tách thành 11 thửa lập KDC tự phát; hộ ông Đỗ Thiên Long (ngụ xã Hưng Hội) "hô biến" 2.657,7m2 đất trồng lúa thành 27 thửa đất ở để phân lô bán nền; hộ ông Nguyễn Văn Phóng (ngụ thị trấn Châu Hưng) có tổng diện tích khu đất là 8.306m2, được cấp có thẩm quyền cho phép tách thành 16 thửa đất. Tương tự, địa bàn huyện Đông Hải có 3 trường hợp được tách thành 204 thửa...
Khu dân cư tự phát tại huyện Đông Hải
TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG
Song song với việc xuất hiện KDC tự phát, các cơ quan chức năng tỉnh xác định tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp. Tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh là 764 trường hợp với số tiền đăng nộp ngân sách hơn 6,1 tỷ đồng; trong đó: có 421/764 trường hợp vi phạm chấp hành quyết định xử phạt (chiếm 55,1% số trường hợp). Tỷ lệ chưa chấp hành quyết định xử lý còn tương đối nhiều (chiếm 44,9% số trường hợp).
UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chuyển 36 trường hợp về UBND tỉnh để ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng theo thẩm quyền, với tổng số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ có 3 trường hợp vi phạm chấp nhận quyết định nộp phạt với số tiền 115 triệu đồng (?).
Các cơ quan chức năng cho rằng, vi phạm trên chủ yếu xảy ra tại các dự án khu đô thị mới, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh. Chủ đầu tư quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm của nhà đầu tư thứ cấp hoặc thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời đối với chủ hộ xây dựng, cơi nới, mở rộng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng.
Tình trạng xây dựng hàng rào lấn chiếm vỉa hè, lối thoát hiểm tại các dự án chưa được chủ đầu tư quản lý, xử lý kịp thời dẫn đến một số khu vực thuộc dự án quy hoạch bị phá vỡ như các khu đô thị Bắc Trần Huỳnh, khu dân cư phường 5, khu Địa ốc, khu Hoàng Phát...
Ông Vương Phương Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: "Trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý trật tự xây dựng từ huyện đến xã (có thể chọn một vài địa phương để thí điểm mô hình thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện), tăng trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý về xây dựng.... UBND tỉnh kiến nghị bộ, ngành rà soát lại các nội dung còn bất cập trong công tác quản lý, xử lý trật tự xây dựng, công tác cấp phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, cho cơ chế và hướng dẫn cụ thể đối với việc thành lập Đội quản lý trật tự đô thị trực thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, buông lỏng trong khâu kiểm tra, xử lý; đồng thời công tác theo dõi, đôn đốc việc chấp hành các quyết định xử lý chưa được địa phương quan tâm dẫn đến tỷ lệ chưa chấp hành quyết định xử phạt còn tương đối nhiều...
Hiện trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều trường hợp người dân mua đất, tự ý san lấp mặt bằng, phân lô bán nền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và xây dựng trái phép. Khi bị chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng đến kiểm tra trật tự xây dựng thì các đối tượng phản ứng quyết liệt và thách thức lực lượng thi hành công vụ, thậm chí còn hăm dọa. Ngoài ra, một số địa phương chưa chú trọng công tác kiểm tra xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm.