(CAO) Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp triển khai các giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh (Omnichannel) giai đoạn 2021 – 2025, giữa Sở Công Thương Đồng Tháp và Công ty CP Công nghệ Haravan diễn ra ngày 7-7-2021, bằng hình thức trực tuyến.
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp chia sẻ: Việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh qua kênh thương mại điện tử trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, ông Ngô Chí Công, đại diện HTX đặc sản Đồng Tháp đã giới thiệu ra mắt chính thức website https://www.htxdacsandongthap.com về các sản phẩm nông sản và đặc sản của Đồng Tháp.
Ông Công chia sẻ: “Website vừa ra mắt nhưng đã có hơn 220 sản phẩm gồm: các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng mỗi phường xã (OCOP-chương trình “mỗi xã một sản phẩm”), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản địa phương của 50 đơn vị là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, và tiếp tục được cập nhật.
Ngoài ra trong tương lai, sẽ kết nối liên kết và giao lưu hàng hoá với các sản phẩm vùng miền khác. Khách hàng có thể trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng trên điện thoại di động, máy tính.
“Hệ thống kinh doanh Omnichannel của HTX Đặc Sản Đồng Tháp được tích hợp nhiều tính năng giúp quản lý bán hàng đa kênh từ website, mạng xã hội như Facebook, livestream và các sàn thương mại điện tử tập trung tại một hệ thống quản lý; các công cụ quảng cáo online tự động như Google... để tăng hiệu suất bán hàng của doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí nhân viên. Trong tương lai, có thể mở rộng bán hàng xuyên biên giới tại các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Haravan cho biết: “Dưới sự tác động của Covid-19 và sự thúc đẩy các tập đoàn công nghệ, hành vi của người tiêu dùng đã dịch chuyển sang mua hàng đa kênh, thị trường thương mại điện tử đang có sự tăng trưởng vượt bậc, đến 2025 quy mô có thể đạt đến 52 tỷ USD, gấp 4 lần năm 2020.
Tuy nhiên để doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong bán hàng đa kênh và thương mại hiệu quả, thì việc đưa các giải pháp công nghệ vào việc vận hành, kinh doanh là điều tất yếu, nhưng song song với đó cần phải có việc đào tạo, trang bị kiến thức nền tảng cho các doanh nghiệp, người kinh doanh địa phương, từ đó doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng vững chắc.
Các sản phẩm được đưa lên giao diện website
Dự án bắt tay giữa Sở Công Thương Đồng Tháp và Haravan đã mở ra một chương mới cho hành trình dịch chuyển từ mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh online, giúp sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh đến trực tiếp với người tiêu dùng trong và ngoài nước trong thời gian Covid-19 chuyển biến phức tạp, tạo tiền đề phát triển công nghệ hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam.