Ngày đầu tiên áp dụng sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng:

Không xảy ra ách tắc, chỉ một số ít trục trặc

Thứ Ba, 02/07/2024 12:43

|

(CATP) Theo thống kê từ các ngân hàng trên toàn quốc, qua theo dõi ngày đầu tiên áp dụng sinh trắc học (01/7), tỷ lệ giao dịch trên 10 triệu đồng là 7,3%, 6,13% và 8,35%. Đến 16 giờ chiều cùng ngày, không có ách tắc với việc chuyển khoản khi bắt buộc phải xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, có một số ít trục trặc và những điều cần thiết cảnh báo đến người dân.

Thủ đoạn "cài sinh trắc học"

Ngày đầu tiên áp dụng việc xác thực sinh trắc học khi khách hàng chuyển khoản từ 10 triệu đồng, hay lũy tiến 20 triệu đồng/ngày thì cũng là lúc các ngân hàng cảnh báo đến khách hàng cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo hướng dẫn cài đặt sinh trắc học để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Trong đó, theo Agribank, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng để yêu cầu "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học và từ đó dùng thủ đoạn thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Theo đó, mọi người cần đề cao cảnh giác với thủ đoạn khi các đối tượng liên hệ khách hàng qua gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Sau đó, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, căn cước công dân (CCCD), hình ảnh khuôn mặt để được "hỗ trợ". Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Ngân hàng cảnh giác khách hàng trước các thủ đoạn lừa đảo

Đồng thời, đề nghị người dân không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu. Agribank khuyến cáo khách hàng các biện pháp để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng; tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng.

Agribank cũng cho biết, ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Khách hàng tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin. Trường hợp khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thu thập sinh trắc học, có thể liên hệ tổng đài hoặc đến trực tiếp điểm giao dịch của Agribank nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, trong phần hướng dẫn khách hàng cài đặt sinh trắc học của Sacombank cũng lưu ý: để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Sacombank tuyệt đối không yêu cầu khách cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật... qua điện thoại hoặc đường link.

Một số tài khoản giao dịch gặp khó

Ngày đầu tiên thực hiện xác thực sinh trắc học trong chuyển khoản ngân hàng, một số tài khoản giao dịch gặp khó khăn khi không thể truy cập cũng như chuyển khoản, bị "treo" hay "báo lỗi", chủ yếu vào buổi sáng 01/7 và ngay buổi chiều cùng ngày đã được khắc phục. Đơn cử, một số khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng để chuyển khoản đã gặp khó khi truy cập vào ứng dụng tài khoản ngân hàng vào sáng 01/7 thì nhận được màn hình thông báo "Dịch vụ không thực hiện trong lúc này. Quý khách vui lòng thử lại sau".

Tương tự, khi chuyển khoản bắt buộc phải xác thực sinh trắc học, tình trạng của nhiều khách hàng trong buổi sáng ngày đầu tiên áp dụng nhận được thông báo "Có lỗi phát sinh trong quá trình xử lý dữ liệu. Quý khách vui lòng kiểm tra hoặc liên hệ các điểm giao dịch", "Yêu cầu của quý khách đến hệ thống tạm thời gián đoạn. Vui lòng thử lại sau", "Dịch vụ không thực hiện trong lúc này. Quý khách vui lòng thử lại sau". Một số khách hàng phản ánh, do trục trặc khi quét chíp CCCD nên phải đến ngân hàng đăng ký, nhưng nhân viên ngân hàng cũng cho biết "hệ thống đang quá tải".

Phản ánh đến Chuyên đề Công an TPHCM, một khách hàng than thở về hệ thống quá tải, giao dịch cứ báo lỗi. Khi đến trực tiếp ngân hàng, nhân viên cho biết: "Điện thoại loại thông minh, màn hình cảm ứng của anh quá cũ nên thay máy mới...". Hay trường hợp dở khóc dở cười của chị N.T.M.T (ngụ Q1). Do lúc trước chị đã xác thực sinh trắc học, đăng ký với ngân hàng đầy đủ thông tin việc xác thực sinh trắc học, tuy nhiên mới đây chị mang thai nên khuôn mặt sưng húp. Thế là ngày đầu tiên áp dụng xác thực khuôn mặt đã "bị lỗi", không thể nào chứng minh là "chính mình", vì vậy việc chuyển khoản phải tạm hoãn...

Công an TPHCM triệt phá băng tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo Quyết định 2345 của NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 01/7, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học (hiện nay là xác thực bằng thông tin khuôn mặt).

Cụ thể, chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản, chuyển tiền liên ngân hàng trong nước, nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; chuyển tiền ra nước ngoài; thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Để làm cơ sở xác thực giao dịch theo quy định, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng khi thực hiện giao dịch sẽ được kiểm tra và so khớp với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được cập nhật tại ngân hàng (có đối khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu Căn cước của Bộ Công an quản lý, hoặc được kiểm tra trực tiếp bởi cán bộ ngân hàng).

Khuyến cáo tránh bị rủi ro

Theo NHNN, trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, bên cạnh việc ngân hàng triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin (như theo Quyết định 2345), thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng, tuân thủ đúng các hướng dẫn về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn. Một số khuyến cáo tới người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng, tránh bị rủi ro mất tiền trong tài khoản.

Xóa nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đó là cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch. Đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, bảo đảm quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động. Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web... cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng,

Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập, mật khẩu, khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ; hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử; gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng.

Bên cạnh đó, chỉ cài đặt các ứng dụng từ cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Khi cài đặt ứng dụng vào thiết bị cần kiểm tra thông tin nhà phát triển ứng dụng, xem xét kỹ quyền hạn của các ứng dụng; thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để thiết bị nhận được các bản vá bảo mật mới nhất của hãng sản xuất; tiến hành mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.

Ngoài ra, khách hàng chủ động giữ gìn, bảo mật các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản; theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ ngân hàng cung cấp dịch vụ cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang