Vụ "nhiều công trình xây dựng không phép vẫn tồn tại" ở Đồng Tháp:

Ai đang "chống lưng" cho sai phạm?

Thứ Tư, 27/03/2024 17:31

|

(CATP) Dù xác định các công trình "khủng" xây dựng đều không có giấy phép và có nhiều sai phạm khác, nhưng đến nay đã không có công trình nào bị cưỡng chế để răn đe. Trong khi đó, UBND thành phố Cao Lãnh lại kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng - nếu phù hợp thì đề nghị cho xác lập hồ sơ như kiểu "hợp pháp hóa" các công trình này. Dư luận đặt vấn đề liệu có ai đang "chống lưng" cho những sai phạm trên.

Thách thức dư luận

Trước đó, Chuyên đề Công an TPHCM có nhiều bài phản ánh về những sai phạm nghiêm trọng đối với nhiều công trình xây dựng (nhà hàng, quán nhậu...) trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Sau phản ánh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Cao Lãnh đề xuất biện pháp xử lý đối với các công trình nêu trên. Mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh Lê Quang Trạng đã ký báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả xử lý các công trình này.

Cụ thể, công trình nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền (Phường 6) thì chủ sử dụng đất (SDĐ) và chủ đầu tư là ông Lê Thành Long (trú tỉnh Long An). Công trình được xây dựng tháng 7/2023 để làm nhà hàng. Trong năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện ông Long không có phép xây dựng, sử dụng sai mục đích đất (xây dựng trên đất cây lâu năm và đất trồng lúa). UBND Phường 6 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Long. Sau đó, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ông Long đã nộp phạt nhưng chưa khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 15/3, nhà hàng Ven Sông Tiền đi vào hoạt động và ngày 18/3 đã tổ chức khai trương rầm rộ, như kiểu thách thức pháp luật. Dư luận đặt vấn đề khi nhà hàng đi vào hoạt động có tuân thủ quy định pháp luật hay không? Cạnh bên nhà hàng là quán Coffee Sông Tiền, chủ sử dụng đất và chủ đầu tư là bà Lê Thị Hồng Tím (ngụ Phường 6, thành phố Cao Lãnh). Công trình xây dựng tháng 8/2023, đã đưa vào khai thác kinh doanh. Quán cà phê này cũng bị phát hiện không có phép xây dựng, xây dựng sai mục đích SDĐ; bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay chưa khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Đối với công trình nhà hàng ẩm thực sinh thái Lộc Vùng Đỏ (đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thành phố Cao Lãnh), chủ đầu tư công trình và SDĐ là ông Nguyễn Công Định. Tổng diện tích công trình hơn 7.800m2, mục đích SDĐ là đất chuyên trồng lúa nước. Trong đó, diện tích xây dựng là hơn 800m2. Thời gian xây dựng từ ngày 24/3 đến 11/4/2023. Công trình không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Nhà hàng sinh thái Ven Sông Tiền tổ chức khai trương rầm rộ

Trong tháng 3/2023, UBND phường 3 đã làm việc với chủ SDĐ về xây dựng công trình không đúng mục đích sử dụng đất. Sau đó, lập biên bản kiểm tra công trình xây dựng không có giấy phép, đề nghị ngừng thi công, lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, sử dụng đất sai mục đích và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về công trình nhà hàng ẩm thực sinh thái Nét Quê (đường Trần Thị Nhượng, phường 4), chủ đầu tư công trình và SDĐ là ông Nguyễn Văn Cảnh. Tổng diện tích hơn 6.000m2, thuộc đất trồng cây lâu năm. Trong đó, diện tích xây dựng gần 1.000m2. Thời gian xây dựng ngày 25/8/2022. Công trình không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Đến ngày 16/9/2022, UBND Phường 4 có biên bản làm việc với ông Cảnh yêu cầu tiếp tục thực hiện Quyết định số 1585/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hiện ông Cảnh đã nộp phạt, nhưng chưa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Một công trình sai phạm khác là quán Karaoke Gold (đường Thiên Hộ Dương, Phường 4), chủ đầu tư công trình là bà Phan Thị Thanh Kiều (thuê đất của người khác). Tổng diện tích hơn 1.500m2, đất cây lâu năm. Trong đó, diện tích xây dựng là 690m2. Thời gian xây dựng ngày 18/5/2022. Công trình không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Hiện nay, bà Kiều đã nộp phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm nhưng lại có đơn xin chậm tháo dỡ. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Bích Thủy (chủ đất cho bà Kiều thuê) đã đăng ký nhu cầu chuyển mục đích SDĐ.

Nhiều công trình "quên" báo cáo

Trước đó, Chuyên đề Công an TPHCM có phản ánh nhà hàng lấn sông Tiền mang tên Ba Lúa (xã Tịnh Thới). Đến nay, công trình này vẫn tồn tại dù bị lập biên bản, xử phạt và buộc tháo dỡ. Liên quan đến công trình, trước đó ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch UBND xã Tịnh Thới) cho biết: Ngày 14/12/2023, nhà hàng Ba Lúa do ông Võ Thành Nghiệp (ngụ tổ 5, ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới) làm chủ.

Ông Nghiệp có xây dựng trên phần đất bãi bồi của xã, với tổng diện tích là 441m2 để kinh doanh ăn uống. Trên phần diện tích này có 7 tum lá (mỗi tum 25m2), xây dựng từ năm 2014. Phần đất bãi bồi do Nhà nước quản lý nên đề nghị ông Nghiệp tiến hành tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Thời gian thực hiện là 60 ngày, kể từ ngày 14/12/2023. Ngoài ra, theo phần đất cặp lộ có diện tích hơn 1.900m2 được ông Nghiệp xây dựng kiên cố là đất CLN, nhưng được sử dụng vào mục đích kinh doanh là chưa đúng với quy định.

Một công trình khác là dãy nhà trọ hàng chục phòng được xây dựng trên khu đất trồng xoài, vườn dừa (cùng P6, cách nhà hàng Ven Sông Tiền chỉ vài trăm mét). Trước đó, ông Trần Minh Tân (Phó Chủ tịch UBND Phường 6) cho biết: Công trình này thuộc khóm 5, đường An Nhơn. Ban đầu, công trình xin xây dựng nhà ở với diện tích 4,5x20m, nhưng sau đó đã xây dựng thành 4,5x40m. Công trình xây dựng trên phần đất lúa, chưa chuyển mục đích sử dụng. Địa phương đã báo cáo lên UBND thành phố để xin kế hoạch cưỡng chế.

Ngoài ra, một công trình được xác định có diện tích "khủng" nhất so với các công trình trên là Khu du lịch Mỹ Phước Thành. Công trình này phần lớn diện tích thuộc xã An Bình (huyện Cao Lãnh) và một phần thuộc phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh. Tại vị trí lối vào là bãi đỗ xe với diện tích khoảng 2.000m2. Vào trong khu du lịch này có khoảng 70 tum mây, tre, lá được cất trên đất trồng lúa.

Về thông tin khu du lịch, ông Trương Quang Thái (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phước Thành) cho biết: Đây là địa điểm "du lịch sinh thái". Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 4,1ha, trong đó có 4ha trồng lúa được thuê của nông dân. Trong quá trình thực hiện, dự án đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích...

Theo UBND thành phố Cao Lãnh, mặc dù các địa phương đã kịp thời kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đất, chủ đầu tư, yêu cầu dừng thi công xây dựng nhưng những người này vẫn cố tình vi phạm trong quá trình xây dựng. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nếu phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đề nghị cho xác lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với loại hình kinh doanh của từng cơ sở, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, góp phần cho sự phát triển của địa phương.

Ngoài ra, UBND thành phố Cao Lãnh cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định quy định mức độ khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định: "Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm". Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm.

Chuyên đề Công an TPHCM sẽ thông tin tiếp khi có phản hồi từ UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang