(CATP) Cho rằng công trình xây dựng đã tồn tại nhiều năm thế nhưng lại nhận được quyết định cưỡng chế, nên một số người dân tại Q.8 TPHCM đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Công an TPHCM..
Đơn cử, bà Nguyễn Thị Ánh Hương (ngụ đường Lưu Hữu Phước, Q.8) cho biết, vào năm 2017 gia đình bà có xây dựng 13 phòng trọ tại đường Hoàng Đạo Thúy, P7Q8, trên thửa đất số 13, tờ bản đồ 165 với diện tích 243m2. Theo đơn trình bày, công trình xây dựng này đã được chính quyền địa phương chấp thuận vào ngày 10-2-2017 thông qua "giấy thông báo sửa chữa nguyên trạng". Tiếp theo, ngày 30-1-2018, ông Ngô Huy - Trưởng phòng Quản lý đô thị (thuộc UBND Q.8) đã ký, cấp giấy chứng nhận số nhà cho dãy trọ trên mang số 1/8 đường Hoàng Đạo Thúy, P7Q8.
Tuy nhiên, sau khi công trình được xây dựng xong, đến ngày 29-8-2019, Phòng Quản lý đô thị Q.8 tiến hành kiểm tra trên địa bàn và ra quyết định xử phạt với công trình xây dựng này của gia đình bà Hương với mức phạt 25 triệu đồng, kèm với đó là yêu cầu khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu. Gia đình bà Hương sau đó đồng ý đóng phạt hành chính nhưng không đồng tình với việc thực hiện phá bỏ công trình, vì cho rằng việc xây dựng nêu trên đã được chính quyền địa phương chấp thuận và cho phép tồn tại.
Dãy nhà trọ bà Hương từng tháo dỡ một số phòng trọ trước đây
Gia đình bà Hương sau đó đã nộp đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Sau khi xem xét, ngày 21-3-2019, UBND Q.8 ra quyết định số 133 "hủy bỏ toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu".
Sau khi tiếp nhận được văn bản hủy bỏ quyết định xử phạt nêu trên, gia đình bà Hương yên tâm ổn định cuộc sống vì công trình được cho phép tồn tại đến nay. Bên cạnh đó, các phòng trọ tồn tại còn đảm bảo chỗ ở ổn định cho người lao động nghèo tại địa phương.
Tuy nhiên, đến ngày 2-3-2020 UBND Q.8 lại ra một quyết định khác (số 62) để cưỡng chế công trình nêu trên. Sự việc này đã khiến gia đình bà Hương hoang mang vì không hiểu lý do gì lại bị cưỡng chế, trong khi trước đó đã có văn bản hủy bỏ quyết định xử phạt, cưỡng chế. Gia đình bà Hương đã khởi kiện quyết định số 62 ra Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh. Ngày 24-12-2020, thẩm phán Đào Quốc Thịnh kí thông báo về việc thụ lý vụ án "khiếu kiện quyết định hành chính" này.
Không chỉ đối với trường hợp của gia đình bà Hương, hộ gia đình ông Trần Văn Kiệt và một số hộ gia đình khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điều này khiến cho cuộc sống của người dân trên địa bàn bị đảo lộn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng xóm của các hộ dân nói trên cũng có vi phạm trật tự xây dựng như: ông Nguyễn Thành Phương (một phần thửa 109 tờ 168 bản đồ địa chính), Nguyễn Tiến Nghĩa (diện tích 225m2 tại một phần thửa 84 tờ 168 bản đồ địa chính)..., vừa được UBND Q.8 chấp thuận được tạm sử dụng công trình vi phạm. Họ phải cam kết tự tháo dỡ, không đòi bồi thường khi nhà nước yêu cầu.
Một căn nhà xây lấn chiếm trên rạch tại P7Q8
Giống như trường hợp bà Hương, hộ ông Nghĩa cũng đang cho thuê 7-8 phòng trọ, từng tháo dỡ một phòng nhưng hiện nay lại được tồn tại. Trong khi đó, hộ bà Hương lại bị cưỡng chế hoàn toàn. Cạnh nhà ông Nguyễn Thành Phương còn một căn nhà có dấu hiệu được xây kiên cố (có lầu) bằng cách lấn, lấp rạch thủy lợi.
Nhận định về vụ việc nêu trên, luật sư Trần Thị Sinh (Đoàn Luật sư TPHCM) nói, theo khoản 1, Điều 74, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Thời hiệu thi hành QĐ xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định. Quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa...".
Đối với việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, khoản 1, Điều 85, Luật xử phạt hành chính quy định: "Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính...". Do đó, việc thực hiện quyết định cưỡng chế phải đi kèm và căn cứ trên văn bản xử phạt hành chính đang có hiệu lực thi hành. Trong vụ việc tại Q.8, cơ quan chức năng cần có giải thích rõ đối với những người dân có liên quan đối với quyết định cưỡng chế, bởi quyết định phạt hành chính 25 triệu đồng với bà Hương đã quá một năm.